Ký ức về những người con bất tử

08:06, 08/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, đất nước bình yên và "thay da đổi thịt" từng ngày, thế nhưng ký ức về những đứa con đã hy sinh để mang lại hòa bình, độc lập cho dân tộc chưa bao giờ nguôi trong lòng của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng.

TIN LIÊN QUAN

Năm nào cũng vậy, khi cái nắng ngày hè chói rọi khắp sân vườn, mẹ VNAH Ngô Thị Lùng ở thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa (Mộ Đức), lại gói bánh ít lá gai, chuẩn bị mâm cơm làm giỗ cậu con trai thứ ba là liệt sĩ Võ Bé. Mẹ Lùng bảo: "Từ đứa lớn đến đứa nhỏ, đứa nào cũng đi theo Bác Hồ làm cách mạng để quê hương, đất nước được trong hòa bình. Tôi nhớ chúng nó đến quay quắt, nhưng cũng đành chôn chặt trong lòng".  
 
Mẹ VNAH Ngô Thị Lùng có chồng và bốn người con hy sinh trong cuộc đấu tranh vệ quốc. Nhắc đến những năm tháng kháng chiến, đôi mắt của Mẹ ánh lên niềm tự hào, dẫu biết rằng nỗi đau mất con hằn sâu trong trái tim của Mẹ, những lần nhận được tin báo chồng và các con hy sinh, Mẹ đã khóc đến cạn dòng nước mắt. 
 
Trong căn phòng nhỏ, Mẹ Lùng đã đặt di ảnh của chồng và bốn người con trai trên bàn thờ và treo trên những bức tường. “Treo nhiều ảnh như thế để lúc nào cũng có cảm giác chồng và các con luôn ở bên mình”, Mẹ Lùng bồi hồi.
 
Mặc dù đã bước sang tuổi 90, nhưng Mẹ Lùng vẫn nhớ như in những câu chuyện về bốn người con trai. “Bé Hai (liệt sĩ Võ Anh Dũng-PV), anh này làm kho lương thực cho huyện. Bé Ba (liệt sĩ Nguyễn Bé), anh này làm xã đội trưởng. Bé Tư (liệt sĩ Võ Tư), anh này học giỏi lắm, hồi đó làm thầy giáo dạy học trong quân đội.
 
 
Mẹ VNAH Ngô Thị Lùng.
Mẹ VNAH Ngô Thị Lùng.
 
Còn Bé Năm (liệt sĩ Võ Năm), anh này một mực xin nhập ngũ lúc 13 tuổi, thấy anh quyết tâm vậy Mẹ cũng chịu cho anh đi...”, giọng Mẹ Lùng chùng xuống khi kể về những khúc ruột thân yêu của mình. Niềm thương nỗi nhớ về những đứa con ra đi vĩnh viễn gần nửa thế kỷ qua chưa khi nào phai mờ trong lòng Mẹ.
 
Mẹ Lùng cười đôn hậu rồi nói:  “Mấy đứa con của Mẹ không làm cho Mẹ buồn bao giờ. Ngày anh Năm đi làm cách mạng, Mẹ không có tiền để mua sắm những vật dụng mà anh thích, vậy mà anh cũng không đòi hỏi gì, cứ lặng lẽ mà đi”.
 
 Ngày hay tin anh Năm hy sinh khi anh 14 tuổi, Mẹ đã ngất lịm. Nhưng rồi, cũng như bao người Mẹ VNAH, Mẹ Lùng gắng gượng đứng dậy, cật lực lao động để kiếm gạo nuôi con.
 
Ngồi bên những lễ vật chuẩn bị cho ngày giỗ anh Ba, Mẹ bảo: “Ngày anh Ba 17 tuổi, Mẹ đã chuẩn bị áo quần, gạo, mắm... để dẫn anh ra thị xã học. Vậy mà sáng hôm sau, anh lén chạy về lại. Sau gần một tuần, nghe bà con nói Mẹ mới hay tin là anh đi theo cách mạng. Mẹ cũng không giận gì anh Ba. Thấy mấy anh một lòng muốn phục vụ Tổ quốc, Mẹ cũng động viên các con của mình, để đất nước được độc lập, quê hương không còn cảnh lầm than...". 
 
Trong những câu chuyện Mẹ Lùng kể, có cả câu chuyện ngày được Nhà nước vinh danh “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.  Mẹ bảo vinh dự này là của chồng và các con của Mẹ, tất cả Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đều giống như Mẹ, đau thương nhưng rất đỗi tự hào. 
 
Mẹ Lùng có tất cả 6 người con. Hiện tại, Mẹ sống với người con gái út là chị Võ Thị Bảy. "Các thành viên trong gia đình đều dành nhiều yêu thương, chăm lo cho Mẹ từng bữa ăn, giấc ngủ... để có thể bù đắp lại phần nào những mất mát, hy sinh mà Mẹ đã trải qua", chị Bảy cho biết. 
 
Về thăm Mẹ VNAH Ngô Thị Lùng vào thời điểm cả nước hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7), được nghe Mẹ kể về những người con anh dũng, kiên cường, chúng tôi bùi ngùi xúc động xen lẫn tự hào. Dẫu thời gian cứ mãi trôi, nhưng đức hy sinh cao cả của những Mẹ VNAH sẽ mãi được các thế hệ con cháu khắc ghi, với lòng biết ơn vô hạn. 
 
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 

.