Sống chung với ô nhiễm

11:05, 30/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng trăm hộ dân ở gần khu vực bãi chôn lấp rác thải và nghĩa địa tập trung của tỉnh tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), hiện đang sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

TIN LIÊN QUAN

Khốn khổ khi sống cạnh nghĩa địa

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, nhà ngay sát nghĩa địa ở xã Nghĩa Kỳ (thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ) cho biết, nguồn nước ở đây bị ô nhiễm, nên hằng tháng gia đình chị tốn gần 400 nghìn đồng để mua nước đóng bình về phục vụ ăn uống. “Nước giếng ở đây có mùi tanh và váng màu. Mới đây, ông già mất vì bệnh ung thư, nên càng khiến gia đình lo sợ, không dám sử dụng nước giếng", chị Ngọc thở dài. Còn gia đình ông Nguyễn Để cũng ở cạnh nghĩa địa cho biết, cách đây 3 năm vợ ông mất vì bệnh ung thư dạ dày, thế nên ở đây ai cũng lo lắng bị ảnh hưởng do phải sống chung với ô nhiễm.

Bãi chôn lấp rác thải khổng lồ ở xã Nghĩa Kỳ.
Bãi chôn lấp rác thải khổng lồ ở xã Nghĩa Kỳ.

Trưởng thôn An Hội Nam 2 Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong vòng hơn 5 năm qua, trong thôn có hơn 10 người mất vì bệnh ung thư. Bị ảnh  hưởng nặng nhất là người dân xóm An Huy, ở đây môi trường ô nhiễm nặng, nguồn nước sinh hoạt, không khí đều bị ô nhiễm. Ruộng vườn, đất đai cũng không sản xuất được. "Chúng tôi nhiều lần kiến nghị dừng chôn cất và cấp nước máy cho dân sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi nghĩa địa thì ngày càng quá tải, diện tích chôn cất hiện đã mở rộng gần 30ha", ông Giàu bức xúc nói.

 “Địa phương mong muốn cơ quan chức năng cần có khảo sát đánh giá; ngành y tế kiểm tra sức khỏe cho người dân nhằm xác định đúng mức độ ô nhiễm để có hướng xử lý. Các dự án xử lý rác thải trên địa bàn đã được tỉnh cho chủ trương sớm được triển khai, nhất là nguồn nước rỉ rác cần được xử lý nhằm giảm tình trạng ô nhiễm như hiện nay”
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ NGUYỄN HỒNG HÀ
Nỗi lo ô nhiễm từ bãi rác

Không chỉ hứng chịu cảnh ô nhiễm từ nghĩa địa, người dân thôn An Hội Nam 2 nhiều năm qua còn phải sống chung với ô nhiễm từ bãi rác thải tập trung. Ông Võ Lệ, nhà cách bãi rác hơn 100m, cho hay: “Nguồn nước rỉ từ rác thải tràn ra sông, suối, cá không sống nổi, ruộng lúa ở đồng Trũng Bùi này cũng đành cắt cho bò ăn, vì ô nhiễm không sinh trưởng nổi”.

Người dân ở khu vực này rất bức xúc vì hằng ngày, hằng giờ hứng chịu tình trạng ô nhiễm. Ông Nguyễn Lựu nói: "Nhiều lần họp cử tri, chúng tôi kiến nghị nhưng chưa thấy giải quyết. Tình trạng ô nhiễm tại bãi rác ngày càng nặng hơn, bởi lượng rác thải ngày một nhiều. Chúng tôi đã già rồi, sống chết nay mai. Chỉ xót cho thế hệ con cháu, đang chịu cảnh ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài".

Theo Phó Chi cục Bảo vệ môi trường Trần Thị Hạ Vũ, phần bãi rác mới với hệ thống nước rỉ chưa được đầu tư công nghệ xử lý triệt để khi xả ra môi trường, nên đã gây ô nhiễm. Qua khảo sát, lấy mẫu nước phân tích thì hàm lượng Coliform trong nước ngầm khu vực gần bãi rác vượt gấp hàng trăm lần quy định cho phép.
 
Báo cáo định kỳ mới đây về công tác bảo vệ môi trường của Công ty CP Đô thị Quảng Ngãi, đơn vị quản lý bãi rác Nghĩa Kỳ cho thấy, bãi rác Nghĩa Kỳ được giao cho đơn vị này quản lý trong điều kiện đầu tư chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống xử lý nước rỉ rác. Hệ thống xử lý nước thải chỉ được xử lý theo phương pháp đơn giản là trích vôi vào và lưu lại 30 ngày tại hồ hiếu kỵ khí, chất lượng nước rỉ rác sau xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, chưa được đấu nối với hệ thống nước bên ngoài công trình.

Được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại với quy mô 0,8 ha, công suất thiết kế 250m3/ngày đêm; đồng thời có chủ trương cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Xây dựng miền Bắc đầu tư nhà máy xử lý rác thải tại xã Nghĩa Kỳ. Hy vọng rằng các dự án sẽ sớm được triển khai, để tình trạng ô nhiễm môi trường không còn là nỗi "ám ảnh" đối với người dân địa phương.

Bài, ảnh: KN

 


.