Chăm sóc người có công cách mạng và thân nhân: Trọn nghĩa, vẹn tình

01:05, 05/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân huyện Đức Phổ luôn quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ...

Đức Phổ hiện có 32.000 người đang hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, có 1.213 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (88 Mẹ còn sống và được các đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng suốt đời); hàng chục nghìn thương bệnh binh, liệt sĩ; 1.671 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 420 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và các đối tượng khác...

Trọn nghĩa

“Từ ngày có thêm các con, Mẹ thấy vui hơn, nhà cửa cũng bớt trống trải hơn”, mẹ Võ Thị Độ, thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh cho biết. “Các con” mà mẹ Võ Thị Độ nhắc đến chính là cán bộ, viên chức Viện Kiểm sát nhân dân và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ. Ngoài khoản trợ cấp hằng tháng, món quà mà “các con” thường xuyên mang đến cho mẹ Độ là không khí đầm ấm, rộn ràng; là sự ân cần thăm hỏi, là những lần tận tình chăm sóc lúc Mẹ ốm đau. Vì vậy, dù không còn minh mẫn ở cái tuổi 93, nhưng khi “các con” đến, ánh mắt Mẹ lại ánh lên niềm vui, hạnh phúc.

Giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cũng là cách tri ân người có công và thân nhân.
Giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cũng là cách tri ân người có công và thân nhân.


Mẹ Độ được Chủ tịch nước công nhận “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” vào cuối năm 2014. Để giúp Mẹ vơi bớt nỗi đau, mất mát, cũng là thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cán bộ, viên chức Viện Kiểm sát và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ đã nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH Võ Thị Độ.

Trong khi đó, bà Đoàn Thị Hải, 92 tuổi, xã Phổ Nhơn cũng rất xúc động khi nhận 46 triệu đồng, số tiền trợ cấp một lần người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày. Dù biết đây là sự tri ân của Nhà nước đối với những đóng góp của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng khi nhận quyết định chi trả trợ cấp, bà Hải vẫn hết sức xúc động.

Vẹn tình

 Thời gian qua, các cấp, ngành ở huyện Đức Phổ thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân của họ. Bên cạnh công tác phụng dưỡng Mẹ VNAH, chăm lo cho các đối tượng thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ... từ năm 2007 đến nay, Đức Phổ đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan hướng dẫn, giải quyết kịp thời chế độ cho hàng nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chế độ cải thiện nhà ở cho cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa...

Huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo sức lan tỏa và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp... tích cực tham gia phụng dưỡng, chăm sóc người có công với cách mạng và thân nhân, cũng như đóng góp vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền trên 5,3 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, huyện đã xây dựng, sửa chữa 213 nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân; hỗ trợ xây dựng nghĩa trang liệt sĩ các xã, thị trấn; thăm hỏi người có công có hoàn cảnh khó khăn bị đau ốm, từ trần...

Ngoài ra, thực hiện chương trình cải thiện nhà ở cho người có công, giai đoạn 2007-2016, Đức Phổ đã xây dựng, sửa chữa 606 nhà với tổng kinh phí trên 14,7 tỷ đồng; tổ chức khảo sát, tìm kiếm và quy tập 185 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang. Nâng tổng số mộ liệt sĩ được đưa vào các nghĩa trang trong toàn huyện lên trên 3.900 mộ...       
   
Tuy đã nỗ lực để “vẹn tình” với người có công và thân nhân, nhưng hiện nay, công tác thực hiện việc xác nhận chính sách cho người có công đôi lúc chưa kịp thời; nhiều người có công và thân nhân khó khăn về nhà ở hoặc nhà ở bị xuống cấp, nhưng chưa được hỗ trợ kịp thời... Vì vậy, bên cạnh sự phấn đấu của địa phương, huyện Đức Phổ đề nghị cấp trên sớm bố trí nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa 200 nhà ở cho người có công và thân nhân, cũng như kịp thời nâng cấp, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ ở các xã.

Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em cho rằng: Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn không còn là tình cảm mà là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Vì vậy, thời gian tới, Đức Phổ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công cách mạng và thân nhân của họ.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.