Hàng loạt công trình giao thông, thủy lợi chờ khắc phục

11:04, 13/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Dù mưa lũ đã qua khá lâu nhưng đến nay, nhiều công trình giao thông, thủy lợi vẫn chưa thể khắc phục, sửa chữa do khó khăn về kinh phí. Tình trạng hư hỏng đường giao thông và các tuyến kênh mương vẫn đang gây ra nhiều bất lợi trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
 
 
Cầu, đường hư hỏng nặng
 
Ba tháng sau mùa mưa lũ 2016, tuyến đường liên huyện Tư Nghĩa đi Nghĩa Hành đoạn qua đèo Chim Hút vẫn ngổn ngang đất đá. Lòng đường vốn rộng hơn 10m thì nay bị hàng trăm mét khối đất thu hẹp chỉ còn hơn 3m. Hai bên đường, khối lượng lớn đất và hàng trăm tảng đá to như chờ chực đổ úp xuống đường bất cứ lúc nào.
 
“Mỗi lần đi qua đây là tim đập, chân run. Mưa phùn thế này thôi mà đã phải dắt xe đi bộ qua rồi vì đường trơn như bôi mỡ, nguy hiểm lắm”- Ông Đỗ Thành Đông ngụ ở xã Nghĩa Thắng thường xuyên đi qua khu vực này than thở.

 

Khu vực đèo Chim Hút ngổn ngang đất đá, có thể gây nguy hiểm cho người đi đường bất cứ lúc nào
Khu vực đèo Chim Hút ngổn ngang đất đá, có thể gây nguy hiểm cho người đi đường bất cứ lúc nào
 
Khu vực đèo Chim Hút được xem là tuyến đường huyết mạch nối liền hai xã Hành Dũng- Nghĩa Thọ. Bởi mỗi ngày, có khoảng trên dưới 1.000 lượt xe qua lại của người dân lẫn học sinh. Tuyến đường còn được xem là “chiếc phao” của người dân Hành Dũng (Nghĩa Hành) mỗi khi mưa lũ về chia cắt các tuyến đường trong xã với bên ngoài.
 
Sau đợt mưa lũ, tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng với hơn 10.000 mét khối đất đã làm giao thông trì trệ trong thời gian dài. Mặc dù đã được khắc phục tạm thời, nhưng nguy cơ sạt lở ở khu vực này vẫn còn có thể gây nguy hiểm cho người đi đường.
 
Không chỉ tuyến đường trên, mà nhiều công trình giao thông trên địa bàn huyện Tư Nghĩa đang chờ để được sửa chữa kiên cố. Khu vực cầu Bến Đá xã Nghĩa Hòa nằm trên trục đường giao thông nối các xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà đi TP.Quảng Ngãi hiện cũng đang có nguy cơ sụp đổ.
 
Mưa lũ đã khiến mố cầu phía đông bị thủng, sói lở hoàn toàn. Tuy nay đã được khắc phục tạm thời nhưng trước tình hình xe tải trọng lớn với số lượng hàng trăm chiếc mỗi ngày thì e rằng chiếc cầu sẽ không thể gánh nổi.

 

Dù đã được khắc phục tạm nhưng cầu Bến Đá vẫn có nguy cơ sụp đổ vì lưu lượng xe qua lại mỗi ngày khá lớn
Dù đã được khắc phục tạm nhưng cầu Bến Đá vẫn có nguy cơ mất an toàn, vì lưu lượng xe qua lại mỗi ngày khá lớn
 
Ông Huỳnh Ngọc Quận- Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa chia sẻ: Địa phương đang rất khó khăn về nguồn kinh phí để khắc phục các công trình giao thông cũng như thủy lợi. Hiện chỉ mới sửa chữa tạm nhưng về lâu dài thì cần phải tiến hành đầu tư sửa chữa kiên cố để giúp người dân ổn định cuộc sống.
 
Hàng nghìn mét kênh mương chờ sửa chữa
 
Sau các đợt mưa lũ cuối năm 2016, hơn 30 tuyến đường tỉnh lộ, công trình giao thông các huyện miền núi, đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài ra còn có 35.000 mét kênh mương bị hư hỏng, bồi lấp. Không chỉ kênh mương mà các đập dâng, hồ chứa nước, đập ngăn mặn cũng bị sạt lở, bồi lấp khiến cho việc điều tiết nước gặp khó khăn.
 
Quảng Ngãi đã tạm ứng trên 10 tỷ đồng ngân sách dự phòng của các địa phương để khắc phục tạm, thông tuyến giao thông lẫn thủy lợi cho các địa phương. Tuy nhiên, so với những thiệt hại, hư hỏng thực tế, thì nguồn kinh phí trên vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn.
 
Hiện vẫn còn hơn 20 nghìn mét kênh mương cần được sửa chữa kiên cố. Nếu không kịp thời, thì sản lượng các vụ lúa trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Cụ thể, vụ lúa Hè thu sắp tới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng.

 

Hàng chục nghin mét kênh mương cần được khắp phục kịp thời để đảm bảo nước tưới cho những vụ lúa sau
Hàng chục nghin mét kênh mương cần được khắp phục kịp thời để đảm bảo nước tưới cho những vụ lúa sau
 
Kênh N vượt cấp 17-1 ở xã Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa có nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 30ha lúa của hợp tác xã Kỳ Đông. Nhưng đến hiện tại, nhiệm vụ này được xem là quá tải. Bởi con kênh đã bị vỡ, hư hỏng hơn 40m. Để phục vụ cho vụ lúa Đông Xuân, ngành chức năng đã bắt ống tạm. Nhưng qua vụ lúa sau thì những đoạn tạm này sẽ không thể đảm bảo lưu lượng nước tưới.
 
Hay kênh N6 đi qua xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ  bị bồi lấp khiến cho 400 ha ruộng của bà con nơi đây không có nguồn nước tưới. Vụ lúa Đông Xuân, hàng trăm hộ dân nơi đây đành ngậm ngùi bỏ hoang đồng ruộng. Thế nhưng với nghề chính là làm nông thì bà con rất cần đến sự can thiệp của chính quyền, ngành nông nghiệp ra tay đưa nước về đồng ruộng cho những mùa lúa sau.
 
Để đảm bảo đời sống sản xuất và đi lại cho người dân, Quảng Ngãi đã ưu tiên khắc phục gia cố tuyến giao thông tỉnh lộ, đường liên huyện trên địa bàn tỉnh cũng như hệ thống kênh mương chủ đạo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho hay: Về lâu dài tỉnh sẽ cân đối nguồn kinh phí ngân sách của tỉnh cũng như xin hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn tài trợ khác để có giải pháp khắc phục căn cơ ổn định bền vững công trình về lâu dài nhằm đối phó với những đợt lũ lụt trong thời gian đến.
 
Khó khăn lớn nhất của các địa phương vẫn là kinh phí khắc phục hậu quả của mưa lũ. Do kinh phí hạn hẹp, các địa phương chưa thể sửa chữa, kiên cố nên nhiều công trình tiếp tục xuống cấp, đe dọa an toàn cũng như gây ra phiền hà cho người dân.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
Cuối tháng 3.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã ký quyết định phân khai 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ để khắc phục các công trình giao thông và kênh mương bị hư hỏng do lũ lụt cuối năm 2016. Theo đó, 5 công trình được đầu tư sửa chữa là: Tuyến đường Thi Phổ- Biển Minh Tân Nam (Mộ Đức), Tuyến ĐT.626 Di Lăng- Trà Lãnh, Tuyến ĐT.622b Quốc lộ 1- Tây Trà, Kênh bơm N2 Liệt Sơn, Kênh S18-2 Mộ Đức.
 
 
 
 
 

.