Vượt qua nỗi ám ảnh bệnh tật

03:03, 21/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Làng Rêu ở xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ từng là tâm điểm của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân. Năm năm đã trôi qua sau ngôi làng đã được trả lại sự bình yên vốn có. Nhưng nỗi ám ảnh về bệnh tật vẫn còn đâu đó trong những ngôi nhà sàn của đồng bào Hrê.

TIN LIÊN QUAN

Nỗi ám ảnh 

Nằm chênh vênh bên núi Dốc Cọp, làng Rêu có 101 hộ dân với 300 nhân khẩu, đồng bào Hrê sinh sống nhờ những thửa ruộng bậc thang, nghề nuôi trâu và trồng cây keo. Buổi sáng, khi mặt trời dần xua tan sương núi cũng là lúc dân làng rủ nhau lùa trâu đi ăn hay lên rẫy phát keo. Những ngôi nhà sàn thưa vắng người chỉ còn líu ríu tiếng trẻ con.

Vợ lên rẫy, anh Phạm Văn Đuối (40 tuổi) ở lại nhà chăm cậu con trai một tuổi. Một góc ngôi nhà sàn, phía sau lưng hai cha con đang ngồi là di ảnh của đứa con trai đầu lòng đã mất cách đây 5 năm vì mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân, khi mới 15 tháng tuổi.

Ảnh 1: Anh Phạm Văn Đuối thắp hương cho con trai đầu lòng qua đời vì bệnh “lạ”. Ảnh: Phạm Linh.
 Anh Phạm Văn Đuối thắp hương cho con trai đầu lòng. Ảnh: Phạm Linh.

Khi nói về căn bệnh 5 năm trước, anh Đuối lặng lẽ thắp cho con một nén nhang, rồi ngậm ngùi: "Năm đó, nhà mình có ba người, cả mình, vợ, con trai đầu lòng đều mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân. Nằm bệnh viện một tháng thì hai vợ chồng khỏi, nhưng con trai lại mất. Vừa xuất viện là chuẩn bị chôn cất con".

Một con trâu, một con heo, vài chén rượu, đó là những gì vợ chồng anh chuẩn bị cho việc chôn cất đứa con trai xấu số. Người Hrê không nhớ ngày tháng năm nào, chỉ nhớ mùa rẫy nào người mất về với "Giàng", nhớ những kí ức của họ khi còn sống.

Người Hrê cũng không có tục làm bàn thờ để tưởng nhớ người chết, chỉ làm một lễ cúng hằng năm. Nhưng trong cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh, vợ chồng anh vẫn lấy một bức ảnh cũ của con làm di ảnh, dành cho con một góc thờ. 

Những tháng cuối năm 2011 đầu 2012, không khí tang tóc và nỗi sợ bao trùm lấy làng Rêu thay cho sự bình yên vốn dĩ. Ông Phạm Văn Tây (80 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ba Điền, người làng Rêu, nhớ lại: " Cứ cách mấy nhà lại có một nhà có người mắc bệnh. Mỗi khi có một người chết, thanh niên trai tráng trong làng lại tới giúp nhà có người chết đâm trâu. Nhưng chỉ mấy ngày sau lại phải đâm một con trâu khác để cúng".

Huyện miền núi Ba Tơ vốn là thủ phủ của trâu, thịt trâu vốn là món ăn quen thuộc của người dân. Nhưng những ngày ấy, có người chẳng dám ăn thịt trâu làm ở nhà người chết do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân, vì sợ lây. Bi hài hơn, cha mất nhưng con gái lấy chồng xa lại không thể về. Bởi vì, "chồng dọa về là li dị", ông Tây kể.

Có bệnh thì vái tứ phương, với quan niệm của người dân miền núi, nhiều người cho đây là bệnh do "Giàng" phạt. Khi số người mắc bệnh ngày càng tăng, người dân làng Rêu nhớ lại, trước đó họ có đốn một cây da cổ thụ ở Gò Bia. Sợ phạm thiêng, họ kéo nhau lên Gò Bia làm một lễ cúng "Giàng", nhưng rồi căn bệnh vẫn tiếp tục hoành hành.

Những ngày ấy, làng Rêu trở thành điểm nóng của ngành y tế Quảng Ngãi. Nhiều đoàn công tác từ địa phương đến trung ương đã về xã Ba Điền điều tra nguyên nhân, chính thức đặt tên cho chứng bệnh này là chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân, chứng bệnh "lạ" chưa từng được ghi nhận trên thế giới.

Những tháng đầu năm 2012, các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh liên tục tiếp nhận bệnh nhân mắc chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân. Bệnh viện Ba Tơ có lúc quả tải. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: "Bệnh là thách thức của ngành y".

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân bùng phát những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, xuất hiện ở toàn bộ 4 thôn của xã, trong đó làng Rêu là "tâm điểm". Năm 2013, 2014, bệnh vẫn tiếp tục tái xuất ở xã Ba Điền. Trong thời gian "hoành hành", khoảng 260 người dân xã Ba Điền bị mắc bệnh, trong đó có 24 người chết.

Ba năm qua, căn bệnh không còn xuất hiện, nhưng những “di chứng” nó để lại vẫn còn đó. Gia đình bà Phạm Thị Su (62 tuổi) có 3 người mắc bệnh, nhờ điều trị kịp thời, bà và cô con gái út đã qua khỏi. Một người con gái khác của bà đã qua đời, để lại đứa cháu gái vừa tròn một tuổi.

Mấy năm sau ngày mẹ mất, cha bé Phạm Thị Thu Hạ (cháu bà Su) cưới vợ mới, để cháu cho bà và các dì nuôi nấng. Bà Su rầu rĩ: "Cuộc sống có lúc khó khăn nhưng cha cháu không giúp được gì. Những khi nhớ mẹ, cháu vẫn còn khóc".

Mấy năm sau ngày mẹ qua đời, cháu mới đủ lớn hiểu mẹ không còn nữa. Bây giờ, Hạ đã vào lớp 1, vẫn đi học một mình không người đưa đón, so với các bạn cùng lứa, bé rụt rè hơn. Hạ không phải là trường hợp cá biệt, có những đứa trẻ ở làng Rêu đã trở thành mồ côi từ căn bệnh quái ác.

Những nụ cười trở lại

Cuộc sống tiếp diễn sau khi hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân đi qua. Chị Phạm Thị Phiên (24 tuổi), con gái bà Su cũng bị mắc bệnh năm 19 tuổi. Mấy năm sau, khi nỗi lo lắng về căn bệnh vơi đi, trai làng khác cũng đến làng Rêu bầu bạn. Chị Phiên kết duyên cùng một chàng trai làng bên, sinh được hai con.

Chị Phạm Thị Phiên, từng mắc bệnh lạ năm 19 tuổi, nay đã có chồng và 2 con. Ảnh: Phạm Linh.
Chị Phạm Thị Phiên, từng mắc bệnh năm 19 tuổi, nay đã có chồng và 2 con. Ảnh: Phạm Linh.

Những đứa trẻ lớn lên, gương mặt ngây thơ không vương những nỗi đau mà người lớn đã trải. Ngày ngày, vợ xuống ruộng chăm lúa, về nhà chăm con, chồng lại lùa trâu tìm cỏ, lên rừng phát keo.

Không còn cảnh tiêu điều như năm nào, căn bệnh khiến người dân làng Rêu xích lại gần nhau hơn. Ngày trước, nhiều người sống rải rác ven bìa rừng thì nay đã về quần tụ ở trung tâm làng để tiện đường sinh hoạt, khám chữa bệnh, rút ngắn đường đến trường cho con.

Nhìn những thửa ruộng bậc thang thoai thoải bên sườn núi, anh Phạm Văn Đố-Trưởng thôn làng Rêu khoe: "Trước đây, khi thu hoạch lúa, người dân chỉ chất trong chòi. Nhưng từ khi gạo mốc bị nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh, người dân đã thay đổi thói quen, phơi lúa khô để có gạo khô, không bị ẩm mốc".

Những dòng suối, con mương không còn là nơi để người dân lấy nước sinh hoạt, thay vào đó, Bộ NN&PTNT đã đầu tư công trình dẫn nước về tận từng nhà, đảm bảo nguồn nước sạch cho bà con.

 

Một góc yên bình của làng Rêu. Ảnh: Phạm Linh
Một góc yên bình của làng Rêu. Ảnh: Phạm Linh

Bốn năm sau ngày mất con trai đầu lòng, vợ chồng anh Phạm Văn Đuối sinh thêm được một cậu con trai kháu khỉnh."Cháu sinh ra bình thường, vợ chồng mình cũng được an ủi. Bây giờ lo làm ruộng, làm rẫy nuôi cháu lớn thôi", anh cười nói khi ôm con trai vào lòng.

Những nụ cười đã trở lại với làng Rêu, nhưng nỗi lo lắng căn bệnh trở lại vẫn còn đó, khi nguyên nhân gây bệnh vẫn còn là một dấu hỏi mà ngành y vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Mỗi năm, người dân làng Rêu lại làm một lễ cúng chung theo lệ. Trong lễ cúng, người làng không chỉ mong cầu mùa màng tươi tốt, bội thu, mà họ còn cầu mong hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân sẽ không bao giờ trở quay trở lại nữa.

 

Phạm Linh


.