Đối thoại với người có công

07:03, 12/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan vừa tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người có công (NCC) ở huyện Nghĩa Hành. Đây là buổi đối thoại với người có công đầu tiên trong chuỗi đối thoại sẽ được thực hiện từ nay cho đến tháng 9. 2017 tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Điểm đối thoại đầu tiên được tổ chức tại UBND xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), do Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn chủ trì. Có 120 đối tượng chính sách ở xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây tham gia, với gần 30 ý kiến của NCC đề cập nhiều vấn đề về việc giải quyết chế độ chính sách cũng như những bất cập, khó khăn trong cuộc sống. Trong đó, bức xúc nhất là vấn đề nhà ở cho đối tượng chính sách, chính sách cho người bị tù đày, công tác giám định để giải quyết chế độ chất độc hóa học...

Tại buổi đối thoại, người có công đưa ra nhiều vấn đề thắc mắc trong giải quyết chế độ chính sách.
Tại buổi đối thoại, người có công đưa ra nhiều vấn đề thắc mắc trong giải quyết chế độ chính sách.


Bà Trần Thị Dư (66 tuổi), thương binh hạng 2/4, ở thôn Nhơn Lộc 2, xã Hành Tín Đông nêu: Chính sách cho NCC hiện còn nhiều điều chưa thỏa đáng. Chẳng hạn như, chính sách cho người bị địch bắt tù đày. Ở tù 10 năm khác với ở tù 7 ngày, 1 tháng, nhưng bây giờ hưởng chế độ thì bằng nhau. Hay vấn đề hỗ trợ về nhà ở chưa sát với thực tế, chưa thực hiện kịp thời. Cũng theo bà Dư, việc tổ chức những buổi đối thoại như thế này là rất tốt, người dân có điều kiện nói lên chính kiến, nguyện vọng của mình.

Với ông Nguyễn Văn Nhân, thương binh hạng 2/4 ở xã Hành Tín Tây thì cho rằng, thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc làm chế độ chất độc hóa học ở Hội đồng giám định thủ tục rườm rà, nên nhiều người dân ngại không muốn làm... “Nhà nước cần có chính sách mới để những người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ, vì nhiều người tuổi đã già rồi, không sống được bao lâu nữa. Trong đó, ưu tiên cho những người tham gia kháng chiến đã lớn tuổi, già yếu được giám định sớm", ông  Nhân mong muốn.
 

Hiện toàn tỉnh có trên 50 nghìn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với tổng kinh phí chi trả trên 71 tỷ đồng; có 479 Mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến suốt đời; 3.100 căn nhà của hộ gia đình NCC được sửa chữa, xây mới; 300 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng...

Trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn xác định công tác chăm lo cho NCC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần và các chế độ chính sách cho NCC được quan tâm nhiều hơn, góp phần thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức thực hiện công tác TBLS, NCC vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là, vì tính chất phức tạp, nhạy cảm và tính lịch sử, nên công tác xác nhận NCC thật sự có tham gia cách mạng bị hy sinh, bị thương và người bị địch bắt tù đày tra tấn, nhưng không có hoặc không còn giấy tờ gốc nên chưa được công nhận, đã gây nhiều bức xúc trong dân.

Mặt khác, quy định của nhiều văn bản chính sách không đồng bộ, nên việc tổ chức thực hiện chưa có sự thống nhất cao, dẫn đến phát sinh vướng mắc. Một số chế độ chính sách tuy được điều chỉnh theo từng giai đoạn nhưng nhìn chung là quá thấp, chưa đảm bảo cho NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, quy định tại Thông tư liên tịch số 20, những người tham gia kháng chiến xác lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp với bệnh mắc phải là “thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính” phải có giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập trước ngày 30.4.1975 ghi nhận bị mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên... nhưng hiện nay phần lớn người tham gia kháng chiến không có hoặc không còn lưu giữ loại giấy tờ này. Hay như việc hỗ trợ nhà ở cho NCC theo Quyết định 22, đến thời điểm hiện tại Trung ương vẫn chưa hỗ trợ kinh phí thực hiện cho hơn 5.000 nhà đã có danh sách...

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.