Thơm lừng gừng gió vùng cao

10:02, 19/02/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Nhờ mọc trên núi với những điều kiện khí hậu vùng cao khá đặc trưng nên gừng gió (hay còn gọi là gừng núi) có vị cay, thơm hơn so với gừng được trồng ở đồng bằng.

TIN LIÊN QUAN

Thời tiết năm nay mưa gió, không khí lạnh thất thường hơn so với mọi năm. Đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt người dân vùng cao gặp nhiều khó khăn. Nhiều người hay trở bệnh, cảm cúm, đau khớp bất thường. Để phòng, trị bệnh họ đã tìm đến gừng như một phương pháp hiệu quả.

Khi bị cảm lạnh mà có dấu hiệu nhức đầu, sổ mũi thì các hộ dân dùng gừng tươi rửa sạch, thái lát, ngâm với rượu trắng để đánh gió, xoa bóp, có tác dụng chữa cảm mạo, phong hàn tốt, hoặc giảm đau xương khớp do nhiễm lạnh.

Còn nếu người bệnh bị cảm lạnh có kèm theo nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, họ giã gừng cho vào cốc nước nóng, thêm muỗng đường và muối, uống khi nước còn ấm chẳng mấy chốc sẽ bớt hẳn.

 

Chị Đinh Thị Kiều Oanh trồng gừng gió trong nhà.
Chị Đinh Thị Kiều Oanh trồng gừng gió trong nhà.

“Ở vùng cao điều kiện kinh tế không được như các nơi ở đồng bằng nên bài thuốc từ thiên nhiên luôn được bà con ưu tiên, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cô xem đây, chỉ cần đắp lên là trong vòng vài tiếng sẽ đỡ hơn thôi”, ông Hồ Văn Than, 70 tuổi, thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, một bậc cao niên trong vùng cho biết khi vừa nói, vừa dùng loại rượu ngâm với gừng gió xoa lên các khớp ở chân.

Khi được hỏi loại gừng gió này có phải là gừng từ vùng xuôi đem lên trồng lại hay không, ý nghĩa của tên gọi, ông Than lắc đầu cho hay, từ khi ông còn nhỏ đã thấy ở Trà Xinh nói riêng và một số địa phương khác ở Tây Trà đã xuất hiện loại gừng này.

Ông nghe các bậc tiền bối trong vùng kể lại rằng, loại gừng này ban đầu được phát hiện ở tận các đỉnh núi. Trong quá trình đi rẫy dài ngày, họ thường gặp phải trở ngại như đau các khớp, sốt, cảm lạnh… Nhận thấy loại cây này có nhiều công dụng chữa bệnh nên họ đã mang về và nhân rộng cho bà con, làng xóm ở dưới chân núi cùng trồng.

Ở vùng cao, gừng gió không chỉ chữa được nhiều bệnh vặt, mà còn được xem như một nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn đặc sản mà theo nhiều người là nếu không có nó sẽ mất đi cái vị đặc trưng của món ăn này.

Vào mỗi mùa lễ hội, các mẹ, các chị sẽ băm nhuyễn, trộn đều phần tiết, bộ lòng của heo rừng với gừng gió, củ diêm núi, xả, ớt rồi xào với dầu ăn. Phần còn lại của heo như thịt đùi cũng với cách chế biến như trên nhưng sẽ được dồn vào ống hồ lô non, đem nướng lên lửa than, đây chính là món “ô vâm”- tên gọi theo cách phát âm của đồng bào. Khi chế biến món này, cần lưu ý là cả gừng và hồ lô đều phải non.

Vị thơm, béo của thịt hòa cùng vị ngọt thanh của lồ ồ, vị cay nồng của gừng gió cùng các nguyên liệu khác phảng phất mùi thơm như phủ khắp bản làng.

“Đến độ, người nào chỉ cần nghe mùi thơm là dân làng đều biết đang chế biến món ô vâm”, lời giới thiệu của ông Than khiến cho ai nấy đều muốn được thưởng thức ngay.

Cận cảnh củ gừng gió.
Cận cảnh củ gừng gió.

Chúng tôi có dịp dùng cơm tại gia đình chị Đinh Thị Kiều Oanh, 32 tuổi, thôn Trà Veo, xã Trà Xinh. Nhà chị Oanh là một trong những hộ luôn có gừng gió trong vườn. Đây là loại nguyên liệu không thể thiếu trong các bữa cơm hạnh phúc của gia đình chị. Bụi gừng nào kén củ thì chị lại dùng đến thân và lá để thay thế mà hàm lượng của gừng lại không thay đổi. 

“Thường thì lá gừng sẽ được thái nhỏ để xào với gà và sả, bỏ vào canh cho thơm, kho cá cho đỡ tanh…”, chị Oanh chia sẻ.

Gừng gió bán ở vùng cao có giá không dưới 100 nghìn đồng/kg. Quá trình trồng không khác gì gừng dưới xuôi nhưng đặc trưng ở chỗ gừng cay và thơm hơn nhờ điều kiện tự nhiên và thời gian trồng dài hơn, kéo dài từ 6- 8 tháng.

Đến nay, phần lớn người dân xã Trà Xinh đều trồng theo một thói quen, vừa đào bụi này thì trồng lại bụi khác. Người ít trồng sau nhà vài chục bụi, phòng khi cần đến. Người nhiều trồng dọc khắp các mảnh vườn nằm dọc chân núi, ngoài sử dụng trong gia đình còn để dành tặng cho người quen từ dưới xuôi.

Chủ tịch UBND xã Trà Xinh Hồ Thanh Thuyền cho hay: Trước nhu cầu của người dân và đặc tính thích nghi, công dụng của gừng gió, hiện nay địa phương đang quy hoạch và đưa vào trồng thí điểm gừng gió, gấc, đinh lăng tại thôn Trà Kem, với 8 hộ dân cùng tham gia, diện tích 500m2. Riêng gừng gió sẽ có diện tích trồng khoảng 200m2.

“Việc quy hoạch, thí điểm sẽ cho người dân có thêm một lựa chọn về sản phẩm chất lượng, mang tính đặc trưng của vùng miền. Người dân lại có thêm một mô hình làm ăn, phát triển đời sống kinh tế”, ông Thuyền nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thiên Hậu
 


.