Ấu thơ trong tôi là tiếng chuông kẹo kéo

10:02, 15/02/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Thi thoảng đi trên những con đường phố thị, xen lẫn giữa những tiếng còi xe inh ỏi... tiếng chuông kẹo kéo giản dị, mộc mạc vang lên, ký ức tuổi thơ một thời như chực trào trong tâm hồn của mỗi người.

TIN LIÊN QUAN

Kẹo kéo, cà- rem chỉ cần nhắc đến đã thấy thòm thèm. Lắm lúc khi đã lớn, trưởng thành, tôi cứ ngỡ rằng, cái món quà quê chân chất, giản dị ngày xưa cũ đã không còn.

Cà- rem bây giờ hiếm thấy người bán rao, bán dạo hơn, khi mà con nít chỉ cần cầm 5.000 đồng chạy ù ra quán tạp hóa là có hàng trăm loại kem ngon, thơm mát. Còn kẹo kéo, đâu đó trên các con đường, tôi vẫn còn thấy hình ảnh của những người đàn ông trung niên trên chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp nơi, cùng cái chuông nhỏ gắn trên tay lái và chiếc thùng kẹo phía sau.

Những người bán kẹo kéo bây giờ ít rao hơn, chỉ còn lại tiếng chuông. Họ không đổi kẹo kéo để lấy những mảnh đồng nát mà mang kẹo kéo vào bán tận trong các hội chợ triển lãm, khu dân cư đông đúc. Có cả những nhóm thanh niên còn dùng tiếng hát của mình để bán kẹo, mưu sinh tại các quán nhậu.  

Đó như là sự an ủi phần nào cho những ai đã từng thưởng thức món quà vặt bình dân ấy, cho ký ức thực sự của cây kẹo không bị mất hẳn đi trong tâm khảm của những người từng là thế hệ 9x đời đầu trở về trước.

Nhưng điều đáng tiếc thay, bây giờ mỗi lần xe kẹo kéo đến khu dân cư, trẻ con thường giương những đôi mắt trong veo nhìn ông bán kẹo và khi chìa cho chúng một mẩu kẹo cong mềm, chúng đều lắc đầu bỏ chạy. Còn các khách hàng lớn tuổi thì vẫn vui vẻ rút hầu bao. Có lẽ, vì hương thơm của kẹo, phần cũng vì muốn tìm lại dư vị của ký ức đã qua vốn nhiều khó khăn.

 

Kéo kẹo kéo là cả một nghệ thuật.
Kéo kẹo kéo là cả một nghệ thuật mới có được cả nha và nhân đậu phộng. Ảnh: Gia Nghi

Ngày đó, miếng cơm, manh áo còn chật vật, ba mẹ còng lưng mới kiếm được tiền cho con đến trường đi học, nào dám nghĩ đến việc vòi vĩnh dăm ba đồng để ăn vặt. Họa hoằn lắm có những hôm được điểm cao, mẹ mới thưởng cho 500 đồng lẻ. Trong số hàng trăm món ăn vặt vào ngày ấy thì kẹo kéo được xem là món “cao sang” nhất.

Giờ ra chơi, chúng tôi đã thấy những người đàn ông trung niên đứng ngoài cổng đợi. Cả đám bạn mong ngóng, rồi chạy ù ra để được thưởng thức một miếng kẹo kéo vừa dẻo, vừa dòn, vị ngọt tự nhiên.

Cục kẹo trắng được chú bán kẹo kéo dài rồi bất ngờ bẻ khúc rất nghệ thuật. Chú quấn thêm miếng giấy và gửi vào tay cho chúng tôi, cả thế giới tuổi thơ dường như bé lại trong một khúc kẹo mềm.

Tên kẹo kéo cũng xuất phát từ động tác lúc lấy kẹo của chú bán hàng. Khéo léo của chú là kéo sao để kẹo được cả nha và nhân đậu phộng. Sau đó, mỗi đứa một cây vừa ăn, vừa hồn nhiên tám chuyện.

Rồi lại nhớ những hôm ngồi trong nhà học bài, chỉ cần nghe tiếng chuông ấy, kèm theo tiếng rao “kẹo kéo vừa kéo vừa dài, vừa dai vừa ngọt đây”, là vội vàng đi tìm từng cuốn sách vở, đôi dép cũ, lông vịt, thậm chí là cái nồi hỏng của mẹ để đổi lấy.

Chúng tôi chẳng biết là mình có lời hay lỗ trong đống đồng nát ấy, chỉ nghĩ có ăn là được rồi. Có hôm, chỉ đổi được một cây kẹo kéo mà cả lũ nào bạn bè, em gái, em trai chia nhau ra cắn từng chút một, ăn hả hê.

Kẹo kéo ngày đó là cái nghề hái ra tiền của nhiều người dân quê. Mỗi ngày kiếm được dăm ba chục nhưng có đồng tiền đều đặn, đủ để trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học bằng người.

Để rồi, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng chuông ấy lại thấy tiếc cho nó nhưng không thể phủ nhận tiếng chuông, tiếng rao của kẹo kéo hay cà- rem đã mang đến cho những đứa trẻ nghèo ở quê nhà một tuổi thơ trong veo.

 
Tiếng chuông gợi nhớ nhiều kỉ niệm của tuổi thơ là thế hệ 9X đời đầu trở về trước.
Tiếng chuông gợi nhớ nhiều kỉ niệm của tuổi thơ là thế hệ 9X đời đầu trở về trước. Ảnh: Gia Nghi


Gia Nghi
 


.