Nụ cười ngày mới

08:01, 29/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hòa nhịp cùng những sắc màu của mùa Xuân, mọi người sum vầy bên gia đình trong bữa cơm ngày xuân sau một năm bươn chải lo toan. Cuộc sống dù bộn bề những khó khăn, nhưng họ vẫn luôn nở nụ cười hạnh phúc về con cháu.

Vượt lên nỗi đau

Chúng tôi trở lại xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn), còn được gọi là "làng không chồng" trong những ngày đầu Xuân Đinh Dậu 2017. Hơn 17 năm trước, chị Đặng Thị Lan vừa vượt cạn đứa con trai út, thì đón nhận nỗi đau người chồng (Nguyễn Duy Thư)  mãi mãi ở lại với biển cả sau chuyến biển định mệnh. Lúc ấy, trong nhà chỉ còn vài chục nghìn đồng, gạo trong lu cũng đã cạn. Thế là mình chị một tay chăm sóc mẹ già và bươn chải mưu sinh nuôi 4 đứa con thơ nheo nhóc, đứa lớn cũng mới 11 tuổi. Từ người phụ nữ chỉ biết nội trợ, chị Lan tập tành đi mua bán phế liệu để kiếm tiền nuôi con.

Anh Nguyễn Mậu Tú luôn quan tâm đến việc học của con.
Anh Nguyễn Mậu Tú luôn quan tâm đến việc học của con.


Hằng ngày, chị đạp xe đi khắp nơi để mua, nhiều người cảm thông với hoàn cảnh, nên để dành bán cho chị. Thương mẹ, cô con gái lớn Nguyễn Thị Ngọc đành gác lại giấc mơ đến trường khi đang học lớp 9 để cùng mẹ mua bán phế liệu nuôi các em ăn học.

Chị Huỳnh Thị Dung (50 tuổi) ở cùng thôn cũng vậy. Chồng chị (anh Sanh) ra đi trong chuyến câu mực ở đảo Trường Sa cách đây hơn 9 năm. Lúc bấy giờ, nhìn 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, chị tự nhủ lòng phải quên đi nỗi đau ấy, thì may đâu các con mới có niềm vui ở ngày mai. Để chia sẻ nỗi đau với mẹ, cậu con trai giữa Nguyễn Văn Viễn vừa học hết lớp 8 xin nghỉ học đến sống với người dì ruột để học nghề mộc.

Để làm chỗ dựa cho con, hằng ngày chị Dung thức dậy lúc 3 giờ 30 phút sáng để chuẩn bị cơm nước cho các con, rồi đạp xe lên tận ngã ba Dốc Sỏi để làm mực thuê, đến chạng vạng mới về. Có hôm đau ốm mệt lả người, nhưng nghĩ về các con đang thiếu cái ăn, cái mặc, chị lại phải gắng sức đạp xe đi làm.

Nụ cười hạnh phúc

Giờ đây, dẫu phía trước còn nhiều lo toan, nhưng chị Đặng Thị Lan luôn nở nụ cười hạnh phúc, vì các con đã khôn lớn, trưởng thành. Một đứa tốt nghiệp đại học ra trường công tác tại TP.Hồ Chí Minh, một đứa tốt nghiệp cao đẳng và hiện công tác tại Đồng Nai. "Vì chúng con mà bố ở lại với biển, nên con phải nối nghiệp bố ra Trường Sa, Hoàng Sa để bố ở ngoài đó trọn niềm vui", cậu con trai út của chị Lan là Nguyễn Duy Phi Ba, chia sẻ.

Về Bình Chánh những ngày đầu xuân, hỏi về chị Dung ai nấy đều không ngớt lời khen. Mà cũng đúng thôi, sau gần 10 năm anh Sanh ra đi, mình chị bươn chải đủ nghề để nuôi giấc mơ đến trường cho các con và đã thành hiện thực. Cậu con trai cả Nguyễn Thanh Tùng đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định tại TP.Hồ Chí Minh; con trai giữa Nguyễn Văn Viễn làm nghề mộc tại Phan Rang; còn cô con gái út Nguyễn Thị Quỳnh Diễm hiện là sinh viên năm thứ 2 ngành tâm lý học của Trường Đại học Đà Nẵng.

 Quảng Ngãi là vùng đất có truyền thống hiếu học, nên dù các chị, các mẹ ở trong hoàn cảnh nào cũng mong muốn lo cho các con ăn học. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những nông dân chân lấm tay bùn... nhưng vẫn hết lòng về tương lai các con.

Anh Nguyễn Mậu Tú (52 tuổi), thôn Tú Sơn, xã Đức Lân (Mộ Đức) là một trong những điển hình như thế. Vợ chồng anh Tú có 4 người con, trong đó con gái lớn Nguyễn Thị Thùy Linh vừa tốt nghiệp Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh; hai cô con gái thứ, một vừa tốt nghiệp đại học Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh, một vừa thi đỗ vào trường này. Còn cô con gái út đang học lớp 8, liên tục đạt học sinh giỏi. Để có điều kiện lo cho con, vợ chồng anh luôn chắt bóp từng đồng từ việc bán con gà, con heo, đến việc đi làm thuê. Anh Tú, chia sẻ: Không gì hạnh phúc bằng khi các con chăm ngoan, học giỏi, trở thành công dân có ích cho xã hội.
 

Bài, ảnh: TÂY PHƯƠNG

 


.