Hướng đến bộ máy hành chính khoa học, hiệu quả

03:01, 02/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập là nội dung lớn trong chủ trương về cải cách công vụ, công chức.

Đây là tiền đề quan trọng, để các cơ quan, đơn vị và các địa phương sắp xếp công chức khoa học, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.

TIN LIÊN QUAN


Gắn vị  trí việc làm với chức danh

Đến ngày 22.11.2016, toàn tỉnh có 33/35 Đề án vị trí việc làm (VTVL) của 19/21 cơ quan hành chính cấp tỉnh và 14 UBND cấp huyện, thành phố được Hội đồng thẩm định Đề án VTVL của tỉnh thẩm định. Qua thẩm định, Hội đồng đã cắt giảm được 61 biên chế hành chính. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bám sát danh mục vị trí đã mô tả từng công việc để bố trí việc làm phù hợp.

Cán bộ bộ phận “một cửa” TP.Quảng Ngãi hướng dẫn người dân khai thuế .                       ảnh: BS
Cán bộ bộ phận “một cửa” TP.Quảng Ngãi hướng dẫn người dân khai thuế . ảnh: BS


Trên cơ sở Đề án VTVL đã xác định biên chế, quản lý công chức, viên chức, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức, điều động, luân chuyển, tuyển dụng đúng chuyên ngành, trình độ, khắc phục bất cập trong bố trí, sắp xếp cán bộ thời gian qua. Việc xây dựng đề án còn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CCVC có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, trách nhiệm, năng động, hiệu quả. Đồng thời, việc thực hiện tốt đề án còn khắc phục được tình trạng dôi dư, góp phần tinh giản biên chế, tạo hiệu quả trong sử dụng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Qua đề án, Sở xác định được khối lượng công việc cụ thể của mỗi VTVL, trong đó mỗi CB, CCVC biết được mình phải làm những việc gì. Trước đây có phòng có 6 người, nhiệm vụ thì nêu 5, 7 nhiệm vụ rất chung chung. Nhưng nay dựa trên số người ở mỗi phòng thì mỗi đầu việc được giao cho 1, hoặc 2 người đảm nhận cụ thể từng công việc một cách hợp lý. Khi có đề án VTVL, thì việc đánh giá CB, CCVC hằng năm cũng dễ dàng hơn, thực chất hơn. “Việc xây dựng đề án VTVL, sẽ làm cho CB, CCVC trong các cơ quan của Sở linh hoạt, năng động hơn. Đây là dịp để Sở xem xét lại nhiệm vụ của mỗi CB, CCVC để có hướng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí hợp lý hoặc tinh giản những cá nhân làm việc kém hiệu quả", ông Hải cho biết thêm.

Khắc phục tình trạng thừa, thiếu

Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình cho rằng, việc xây dựng đề án đã giúp thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện xác định được số lượng VTVL và số người làm việc tương ứng. Đề án giúp huyện có cái nhìn toàn diện về số lượng VTVL dự kiến và số lượng VTVL hiện tại cũng như xây dựng kế hoạch tuyển dụng CB, CCVC bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Từ khi huyện có Nghị quyết chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực thì việc tuyển dụng của huyện được thực hiện nghiêm ngặt, trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt và hiệu quả công việc cao hơn.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết: Đề án VTVL đã làm rõ công việc, nhóm công việc, thực trạng đội ngũ CB, CCVC, các yếu tố ảnh hưởng đến VTVL. Từ đó, việc xác định danh mục các VTVL cần thiết trong đơn vị, xây dựng bảng mô tả công việc cũng như khung năng lực của từng VTVL và chức danh nghề nghiệp tương ứng. Đề án đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát chức năng, nhiệm vụ; tổ chức sắp xếp, bố trí lại người làm việc phù hợp với từng vị trí chức danh việc làm, tránh được sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ phận, bảo đảm tính chuyên môn hóa, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng đề án còn giúp việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm CB, CCVC, người lao động đúng với năng lực hơn.

Việc xác định VTVL còn giúp cho CB, CCVC thấy được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong tổ chức, không thể đùn đẩy, thoái thác công việc. Đề án VTVL sẽ tạo nên bộ khung rõ ràng, minh bạch về số lượng, cơ cấu CB, CCVC cần thiết trong từng cơ quan, đơn vị, nhằm khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; đồng thời đánh giá đúng năng lực, sở trường của CB, CCVC để bố trí công tác, góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động. “Có đề án này buộc các cơ quan, đơn vị nào muốn tuyển dụng đều phải bám vào đề án, khắc phục tình trạng “ém” biên chế hoặc tuyển dụng vượt rào”, bà Lan cho biết thêm.

Bá Sơn

 


.