Những người cứu hộ kiên cường

02:12, 19/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Họ là những người mặc áo lính, những thanh niên xung kích hay thường dân cũng có gia đình, người thân bị ngập lũ, nhưng có ý thức trách nhiệm và cao hơn là tấm lòng đối với bà con nên đã kiên cường đối diện với mưa lũ để cứu người.

TIN LIÊN QUAN

Chiều 16.12, con đường về Mộ Đức lũ giăng giăng. Đây đó những cánh đông mênh mông lũ. Những con đường quê  bị chia cắt. Những xóm nhà bị cô lập. Quốc lộ 1 đoạn đối diện Khu lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng  nước băng. Xe tải, xe khách ngang qua đây cũng” chồn chân” lo ngại. Thế nhưng, đây đó, có những người mặc áo phao đối diện với mưa gió ào ạt và lũ dâng cao để bơi thuyền cứu hộ và những ai được cứu đều hết sức mừng vui, vì đã thoát chết giữa dòng lũ dữ…   

 “May mà các chú đến kịp thời…”

Bà Nguyễn Thị Lê, nhà ở thôn 2 xã Đức Tân vừa được đội cứu hộ của Bộ đội biên phòng huyện Mộ Đức cùng thanh niên xung kích xã đưa ghe lên Quốc lộ 1, khẻ cười nói: “Hú vía. Nước dâng lên nhanh quá, tui  một mình neo đơn chẳng biết chống đỡ cách nào. May mà mấy chú đến kịp thời giúp tôi kê dọn đồ đạc trong nhà, khóa cửa lại rồi đưa tui lên thuyền chèo đi…”.
 
Còn ở thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân, sau  những cơn lũ chồng lên lũ nhiều hộ dân đã quá mệt mỏi và gạo dự trữ phòng lũ cũng chẳng còn. Vậy mà từ ngày 15.12  nước lũ sông Thoa kết hợp với sông Trà Câu đổ về ào ạt dâng cao hơn. Những ngôi nhà, những nghĩa địa nằm trên gò cao thoáng chốc chìm trong biển nước. Dân trong thôn rùng rùng kéo nhau lùa bò lên hợp tác xã gửi tạm rồi về nhà lo thu dọn đồ đạc chạy lũ.

 Những người cứu hộ của xã Đức Lân, huyện Mộ Đức trong cơn lũ  chiều 16.12
Những người cứu hộ của xã Đức Lân, huyện Mộ Đức trong cơn lũ chiều 16.12


Nhiều người đã được sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng thanh niên xung kích địa phương. Bà Phạm Thị Dụ nhà bị ngập sâu và sau nhiều ngày đối mặt với lũ gạo cũng đã cạn. Nghe  chòm xóm nói có thuyền của xã đi cứu trợ nên có ý chờ. Rồi chiếc thuyền cứu hộ cũng đã đến. Anh em trong đội trao cho bà mấy gói mì tôm cùng lời động viên: “Cố gắng cầm cự nghe bà. Lũ dâng cao rồi cũng sẽ rút thôi”.

Cầm trên tay mấy gói mì tôm,  bà cảm động nói: “Mấy chú nhà cũng bị ngập mà bỏ công sức đi cứu giúp bà con quý hóa quá chừng...”.
 
Còn trước đó, chiều ngày 15.12, khi lũ bắt đầu dâng cao trên sông Vệ, dân xã Hành Thiện  thi nhau chạy lũ. Đầu cầu phía Nam cầu Cộng Hòa thuộc thôn Mễ Sơn nằm trên cao nên trở thành điểm tập kết của xe hon đa, máy cày, ô tô, trâu bò của dân trong thôn. Nhiều người dân lùa bò tới đây cột vào hàng cây bên đường rồi chạy về nhà để khuân đồ đạc lên cao tránh lũ. Hỏi thăm, nhiều người chỉ nói đúng một câu: “Thì cột trâu bò ở đây, nhờ bà con trong thôn coi giùm chứ mưa lũ bời bời biết lấy ai trông coi nữa”.
 
Trong những cơn lũ dai dẳng, bắt đầu từ ngày 30.11 đến ngày 18.12 có hàng ngàn hộ được di dời từ vùng thấp lên nhà kiên cố, cơ quan trường học để tránh lũ. Trong số họ có nhiều người thoát  chết là nhờ sự cứu hộ kịp thời của những người cứu hộ kiên cường trong màu áo xanh của lượng biên phòng, của các đơn vị công an,  thanh niên xung kích và cả những thường dân.

 Cứu hộ kiên cường…

Cũng sáng ngày 16.12, gió, mưa ào ạt và lũ trắng trời. Đội cứu hộ  của huyện đội Mộ Đức sau khi  nghe  bốn thôn ở Đức Chánh bị nước bao vây đã lái ca nô đi cứu hộ. Trung tá Trần Thanh Phúc cho hay: Cả ngày hôm trước chúng tôi đi cứu hộ. Trong sáng nay lại tiếp tục bơi trong lũ để cứu 4 người bệnh đưa đến Trung tâm y tế huyện Mộ Đức. Trong số anh em, cũng có người nhà bị ngập. Nhưng quân đội mà, sẵn sàng cứu hộ người dân”. Nói vội rồi anh cùng anh em lao đi trong mưa lũ.  

 Bà Nguyễn Thị Lê nhận mì tôm cứu trợ từ Đội TNXK xã Đức Lân, huyện Mộ Đức
Bà Nguyễn Thị Lê nhận mì tôm cứu trợ từ Đội TNXK xã Đức Lân, huyện Mộ Đức.

 

Còn ở xã Đức Lân, các thành viên đội thanh niên xung kích mấy hôm rồi “quần thảo”  ở các thôn Thạch Trụ Đông, Thạch Trụ Tây và Tú Sơn hết cứu hộ đưa dân lên nhà cao tầng tránh lũ thì đến việc chuyển mì tôm nước khoáng đến cứu trợ cho dân.  

Anh Trần Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã trực tiếp phụ trách đội cứu hộ kể: “Trời mưa tối mặt và nước lũ dâng lên cao quá nên thuyền nhiều lúc tròng trành tưởng lật, nhưng anh em cố gắng chống chèo”. Bà con mình trong lũ không phải ai cũng muốn di dời đâu. Vì có hộ còn sợ mất tài sản nên chẳng chịu di dời. Anh em lại phải  bỏ công thuyết phục rồi mới chống chèo đi”.

Cứ cố gắng chống chèo như thế rồi anh em cũng đưa được tất cả những người dân nhà bị ngập sâu trong lũ lên vùng cao tránh lũ và 150 thùng mì tôm nước uống cũng chuyển đến được cho mọi người.

Còn ở xã Hành Thiện, ông  Nguyễn Văn Huỳnh cùng nhiều hộ dân  ở thôn Mễ Sơn đã giúp  bà con chòm xóm nhà tạm bợ lên nhà cao tránh lũ. Rồi sau đó ông trở về đầu cầu phía nam cầu Cộng Hòa tham gia giữ tài sản, trâu bò của bà con chuyển lên tránh lũ. Ông  nói: “Thì cũng bà con trong xóm thôi mà. Có lũ bà con mới chuyển đồ đạc lên đây”...

 

Đội cứu hộ của  Bộ đội biên phòng huyện Mộ Đức cùng với thanh niên xung kích xã Đức Tân cứu hộ dân vùng ngập lũ sáng ngày 16.12
Đội cứu hộ của Bộ đội biên phòng huyện Mộ Đức cùng với thanh niên xung kích xã Đức Tân cứu hộ dân vùng ngập lũ sáng ngày 16.12.


Đúng là khi  thiên tai, lũ lụt thì mới cần sự nỗ lực của anh em công an, quân đội , lực lượng thanh niên xung kích và bà con chòm xóm để cứu hộ, cứu nạn. Trong những cơn lũ vừa qua, các lực lượng cứu hộ ở Quảng Ngãi đã sơ tán, di dời trên 5.000 hộ dân một cách an toàn.

Bão lũ rồi đi qua. Những chiến sĩ công an, quân đội trở về với đơn vị. Những thanh niên xung kích và những người dân kiên cường trong lũ lại trở về lo chuyện đồng áng chuyện ngày mùa. Trên những cánh đồng nước lũ giăng giăng rồi lúa cũng lên xanh năm đôi vụ. Nhưng rồi, những mùa mưa lũ tới, những hộ dân nơi vùng trũng sâu lại nhớ và tin những người cứu hộ kiên cường. Chính họ đã giúp bà con vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai, bão lũ.                                                                                

Bài, ảnh: Cẩm Thư

 


.