Nén nhang cho Lawrence Colburn

06:12, 16/12/2016
.

TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Tin ông Lawrence Colburn mất đến với tôi thật bất ngờ: Qua một người bạn bên Cộng hòa liên bang Đức, một trong những nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai 48 năm trước.

Gần 11 năm trước, 6.1.2006, người Sơn Mỹ cũng đã vĩnh biệt một ân nhân khác- ông Hugh Thompson, viên phi công trong đội bay cùng  Lawrence Colburn đã cứu 11 người phụ nữ cùng cậu bé có tên Đỗ Hòa (Đỗ Ba) ra khỏi bãi xác người trong một con mương cạn. Hugh Thompson qua đời ở tuổi 62 vì bị bệnh ung thư. Giờ đến lượt Lawrence Colburn theo chân người đồng đội cùng ông từng ngăn chặn những bàn tay vấy máu tội ác tại làng Sơn Mỹ.

 

 L.Colburn (trái) Đỗ Hòa (giữa) và H.Thompson (ngoài cùng bên phải) tại lễ kỷ niệm 30 năm thảm sát Mỹ Lai 1998. Ảnh: T.Đ
L.Colburn (trái) Đỗ Hòa (giữa) và H.Thompson (ngoài cùng bên phải) tại lễ kỷ niệm 30 năm thảm sát Mỹ Lai 1998. Ảnh: T.Đ


Sáng ngày 16.3.1968, trong chuyến bay trinh sát thường kỳ của mình ngang qua Sơn Mỹ, tổ lái của chiếc trực thăng OH-23 do ông Hugh Thompson lái chính cùng hai xạ thủ súng máy là Lawrence Colburn và Glenn Andreotta bất ngờ phát hiện một cảnh tượng lạ. Đó là những đụn khói lửa ngùn ngụt bốc lên từ những ngôi nhà; còn trên những cánh đồng lúa vàng, từng tốp lính Mỹ dẫn người dân tập trung tại một địa điểm rồi xả súng vào. Hugh Thompson trao đổi nhanh với hai người đồng đội rồi ông bất ngờ ngoặt lại, cho máy bay đỗ xuống cạnh một con mương.

Hàng trăm xác người nằm ngổn ngang, tiếng la hét hoảng loạn lẫn với tiếng súng máy từ các tay súng “say máu người” đã buộc những viên phi công này phải hành động. Họ đã yêu cầu toán lĩnh Mỹ nọ dừng ngay lập tức cuộc tàn sát. 11 người phụ nữ cận kề cái chết đã được cứu thoát. Cậu bé 8 tuổi Đỗ Hòa ngoi ngóp trong con mương đầy máu cũng được ông Lawrence Colburn đưa lên máy bay cùng những người đàn bà may mắn nọ. Những nạn nhân đã được đưa thẳng về Bệnh viện Quảng Ngãi để cấp cứu…

Hành động đầy tính nhân văn của các ông đã bị chính những người lính Mỹ dè bỉu suốt trong những năm sau đó. Họ cho rằng những viên phi công này là không yêu nước. Cho mãi đến 30 năm sau sự kiện Mỹ Lai, ba người trong đội bay mới được trao tặng huy chương Quân nhân - Soldier’s Medal (riêng ông Andreotta thì được truy tặng vì ông đã tử trận sau vụ Mỹ Lai 3 tuần), huy chương cao nhất của nước Mỹ cho sự anh hùng trong các nhiệm vụ không trực tiếp chiến đấu.

Nhân 30 năm thảm sát Mỹ Lai, 16.3.1998, ông H.Thompson và L.Colburn đã có dịp trở lại làng quê Sơn Mỹ. Những người phụ nữ đã được các ông cứu sống, kẻ còn người mất, họ đã vỡ òa trong niềm vui cùng nỗi đau sau 30 năm gặp lại hai vị ân nhân của mình. Sau chuyến trở lại Sơn Mỹ lần ấy, ông H.Thompson có hẹn với những người bạn mới quen tại Sơn Mỹ rằng ông sẽ trở lại nhân kỷ niệm 40 năm Sơn Mỹ. Thế nhưng ông đã về với Chúa ngày 6.1.2006. Lúc H.Thompson bị trọng bệnh, ông Lawrence Colburn luôn có mặt cạnh bạn mình cho đến lúc lâm chung.

 

Colburn (trái) và H.Thompson với học sinh Sơn Mỹ năm 1998. Ảnh: T.Đ
Colburn (trái) và H.Thompson với học sinh Sơn Mỹ năm 1998. Ảnh: T.Đ


Ông Lawrence Colburn có kể rằng, ông và bạn ông đã nói với nhau thật nhiều về một tuổi trẻ đớn đau và lầm lẫn, trong đó không quên nhắc lại kỷ niệm vụ Mỹ Lai. H.Thompson có gửi gắm với L.Colburn rằng cho ông gửi lời chào người dân Sơn Mỹ khi bạn trở lại dự lễ kỷ niệm 50 năm thảm sát Mỹ Lai.

Tôi có dịp “tháp tùng” hai ông suốt những ngày họ trở lại Sơn Mỹ chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát. Dịp đó, Đài truyền hình CBS đã dành hẳn một chương trình để nói về sự kiện Mỹ Lai cùng hai viên phi công này. Chia tay những người bạn mới quen trong những lần trở lại Sơn Mỹ, L.Colburn có nói với chúng tôi rằng, ông nhất định sẽ trở lại vào dịp kỷ niệm 50 năm, tức ngày 16.3.2018. Bây giờ thì không kịp nữa rồi ông L.Colburn thân mến. Nhưng tôi biết, những ân nhân của làng Sơn Mỹ vẫn luôn tin rằng ông sẽ quay trở lại ngôi làng này bằng một chuyến đi trong ký ức của họ.

Xin được thắp một nén nhang vĩnh biệt L Colburn!

 


.