Ẩn họa từ những trạm biến áp

03:11, 26/11/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Mặc dù, các trạm biến áp đều có biển cảnh báo, thế nhưng thời gian qua, nhiều người dân vẫn vô tư chọn những nơi này để mưu sinh buôn bán, bất chấp những tai nạn nguy hiểm luôn rình rập xảy ra bất cứ lúc nào. Sự cố đáng tiếc xảy ra tại trạm biến áp ở Hà Nội là lời cảnh tỉnh về tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện này.
 
 
Sống chung với “tử thần”
 
Vụ nổ trạm biến áp (TBA) tại quận Hà Đông (Hà Nội) xảy ra ngày 17.11 làm 5 người thương vong vừa qua đã khiến nhiều người bàng hoàng và thấy được sự nguy hiểm luôn rình rập với những ai thường xuyên ngồi cạnh “thần chết” này.
 
Tưởng chừng vụ việc trên là “hồi chuông” cảnh báo cho mọi người, đặc biệt là những ai đang bám vào những TBA để mưu sinh. Thế nhưng, trên thực tế, hiện tại nhiều người dân vẫn cố tình phớt lờ, bất chấp sự an toàn của bản thân, hằng ngày vẫn mưu sinh ngay tại các TBA. 
 
Đi dọc trên các tuyến đường trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân chọn TBA để mưu sinh bằng các hình thức như: Bán nước giải khát, bánh mì, trái cây, sửa chữa xe máy, xe đạp, hay chỗ đứng, ngồi đón đợi khách của những người hành nghề xe ôm...
 
Bất chấp nguy hiểm, người dân chiếm dụng khoảng trống dưới TBA để bán hoa quả
Bất chấp nguy hiểm, người dân chiếm dụng khoảng trống dưới TBA để bán hoa quả

 

Tại TBA chợ Quảng Ngãi nằm trên đường Nguyễn Nghiêm, dù được cảnh báo nguy hiểm, thế nhưng từ nhiều năm nay, một số hộ dân vẫn “ngó lơ” những cảnh báo, chiếm dụng phần vỉa hè trống dưới chân TBA để buôn bán hoa quả. 

 
Cũng trong tình trạng tương tự, các TBA trên đường Quang Trung, Phạm Văn Đồng… từ lâu nay cũng được người dân dùng làm nơi để bán bánh mì, nước giải khát. Nhìn họ buôn bán dưới TBA với hành lang an toàn lưới điện mà vẫn “ hồn nhiên”, không chút lo lắng nào khiến không ít người phải giật mình. 
 
Khi được hỏi về mức độ an toàn trong việc “mưu sinh” ngay dưới chân các TBA, chị Hoa- một người bán bán trái cây dưới TBA bày tỏ: Buôn bán ở đây nhiều lúc cũng sợ cháy nổ, chập điện, nhất là khi trời mưa, giông sét… nhưng vì mưu sinh, vì “miếng cơm, manh áo” của  gia đình nên mình cũng “liều”. Với lại mình buôn bán cả chục năm rồi, chưa thấy sự cố gì xảy ra nên cũng yên tâm.
 
Không riêng gì chị Hoa, mà nhiều hộ kinh doanh, buôn bán khác cũng có tư tưởng chủ quan này.  Họ không lường trước được những ẩn họa khôn lường khi TBA gặp sự cố.  Và bài học nhãn tiền là sự cố nổ TBA ở Hà Nội vừa qua. 
 
Cùng với những người dân cố tình trưng dụng khoảng trống dưới TBA để mưu sinh, thì cũng không ít hộ dân bất đắc dĩ phải đối mặt với những nguy hiểm khi sống gần những TBA.
 
Trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng từ thành phố đến nông thôn khiến cho cơ sở hạ tầng về đường lưới điện nhiều nơi không bắt kịp. Chính vì vậy, hiện nay không ít các TBA, hạ áp lọt thỏm giữa khu dân cư… đe dọa trực tiếp tính mạng người dân.
 
Chẳng hạn như ở Khu dân số 7, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân không khỏi lo lắng khi phải “sống chung” với TBA nằm ngay trong khu dân cư . Đặc biệt, vì sát đường đi nên nhiều người khá lo lắng mức độ nguy hiểm khi trẻ em đi lại và vui chơi gần khu vực này. Nhất là trong mùa mưa, nếu có sự cố phóng điện, sẽ đe dọa đến tính mạng con người.
 
 
Những TBA nằm sát khu dân cư rất nguy hiểm nếu chẳng may xảy ra sự cố
Những TBA nằm sát khu dân cư rất nguy hiểm nếu chẳng may xảy ra sự cố
 
 
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
 
Mặc dù Luật Điện lực đã quy định rõ về quy định an toàn đối với các TBA, điện lưới… cùng với bảng cảnh báo nguy hiểm, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, mức độ nguy hiểm do vi phạm an toàn lưới điện, trụ điện, TBA cũng đã được cảnh báo nhưng đa số người dân vẫn thờ ơ với sự an toàn của chính mình.  
 
Đồng thời, một thực tế đáng lo ngại hiện nay là việc cảnh báo nguy hiểm vẫn chỉ xuất phát từ một phía, còn việc có tuân thủ hay thực hiện hay không lại chủ yếu nằm ở ý thức của người dân.  
 
Sự cố nổ TBA tại ở Hà Đông vừa qua không phải là sự cố cháy, nổ đầu tiên được ghi nhận. Nhiều vụ hỏa hoạn, cháy nổ do vi phạm các quy định về an toàn lưới điện, TBA, trụ điện.. xảy ra ở nhiều nơi như vẫn chưa là bài học đáng nhớ cho những người mất cảnh giác, thiếu ý thức trong việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện. Bởi, thực tế, chỉ sau “một thoáng” lo sợ vì hậu quả của những sự cố thì đâu lại vào đấy, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện lại tiếp tục tiếp diễn . 
 
Trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn lưới điện, cần phải có các biện pháp kiên quyết, “mạnh tay” với những trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại các TBA.  Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao  ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Luật Điện lực về an toàn điện.
 
 
Theo Nghị định số106/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao ápđối với các trạm điện lắp đặt trên cao (trạm treo) không có tường rào xây bao quanh, chiều rộng hành lang bảo vệ trạm được giới hạn bởi mặt phẳng bao quanh trạm có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm được quy định với trạm điện áp 22 - 35 KV thì khoảng cách an toàn tương ứng 2 – 3m. Nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện không được xâm phạm đường ra vào trạm điện, không xâm phạm hành lang an toàn.
 
 
B. Khánh
 

.