Xương rồng nở hoa

09:10, 22/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Số phận không mỉm cười, song họ vẫn mạnh mẽ vươn lên, sống đẹp, sống tốt như loài xương rồng nở hoa giữa sa mạc. Họ thật sự là tấm gương sáng đáng trân trọng.

Một nghị lực phi thường

Mất khả năng đi lại, bị teo cơ cả hai chân, nhưng những thành quả mà anh Võ Văn Sen (47 tuổi) ở thôn Năng Tây 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) có được hiện nay là khao khát của biết bao người bình thường.

Năm lên 4 tuổi, sau một trận sốt, đôi chân anh bị teo và mất khả năng vận động. Dù vậy, anh vẫn sống lạc quan, chấp nhận số phận như một lẽ thường. “Chân không đi được thì mình cố gắng bò, lết. Chưa bao giờ khóc than số phận, nỗ lực làm mọi thứ trong khả năng”, anh Sen trải lòng. Vậy nên bạn đi học, anh cũng đi học. Suốt 12 năm đến trường bằng “đôi chân” của bạn bè, cha mẹ, anh luôn phấn đấu hết mình trong học tập, là học sinh chăm ngoan, học lực khá giỏi.

 

 Bằng sự nỗ lực không ngừng, giờ đây anh Sen đã là người thợ giỏi và kinh tế gia đình rất khá giả.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, giờ đây anh Sen đã là người thợ giỏi và kinh tế gia đình rất khá giả.


Sau khi tốt nghiệp THPT, vì không có điều kiện học xa nhà, anh Sen được gia đình cho trông coi lò gạch. Sau 6 năm làm việc, có được chút ít vốn, anh cùng em trai góp tiền mua một chiếc máy gặt đập liên hợp. Không thể điều khiển máy gặt đập nhưng vốn là người nhanh nhẹn, hoạt bát, anh luôn cố gắng làm tốt những công việc "hậu cần" từ việc lo xăng dầu, tìm mối, liên hệ với những người có nhu cầu gặt máy... Chính nhờ công việc này mà anh gặp được "một nửa của mình".

Sau khi có vợ, anh quyết định dành 2 năm đi học nghề điện cơ, với mong muốn có một nghề nghiệp vững vàng để lo cho gia đình nhỏ. Năm 35 tuổi, anh mở một tiệm sửa đồ điện mang tên mình. Với sự tỉ mẩn, tay nghề cao và giá cả phải chăng, tiệm của anh Sen luôn đông khách, thu nhập ổn định cho gia đình. Giờ đây, từ một miếng đất nhỏ, anh chị đã mua thêm được vài lô đất và cất một căn nhà khang trang ở mặt tiền Quốc lộ 1.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Sen chỉ cười hiền bảo: “Điều tôi tự hào nhất là tôi chưa bao giờ có ý nghĩ tiêu cực đối với bản thân, luôn ước mơ, khao khát được sống như người bình thường”. Nghị lực ấy của anh đang là hành trang vô giá dành cho ba cô gái bé nhỏ của anh trong hành trình đi đến tương lai.

Tỏa sáng một niềm tin

Anh Đặng Duy Tân (31 tuổi) ở thôn Nho Lâm, xã Phổ Hòa (Đức Phổ) sinh ra trong một gia đình nghèo, lại không may bị câm bẩm sinh, tay trái cong vẹo, nên từ nhỏ Tân luôn tự ti, mặc cảm về bản thân. Không có điều kiện đến trường, nhưng Tân rất chăm chỉ, siêng năng. Ai thuê gì làm nấy, từ gặt lúa, chở rạ, bốc vác, chẳng nề hà vất vả, làm có tiền lại tích cóp để đưa cho ba mẹ trang trải cuộc sống.

Tưởng chừng cuộc sống của Tân không có gì để kể, nhưng khi đến tuổi trưởng thành, trong lúc đi thồ rạ thuê, thấy các bạn thanh niên mặc áo xanh, giúp dân làm đường, Tân thấy hào hứng và khao khát mình được cống hiến như các bạn bè cùng trang lứa. Từ đó, cứ thấy các bạn thanh niên làm việc, tham gia tình nguyện giúp dân, Tân lại mò mẫm đi theo. Hiểu được mong muốn của Tân, Bí thư Chi đoàn thôn Nho Lâm làm cầu nối giữa Tân và các bạn đoàn viên và phong trào đoàn.

Mỗi khi xã đoàn, huyện đoàn phát động, tổ chức các chương trình tình nguyện, các phong trào thanh niên Tân đều có mặt. Không giao tiếp được, nhưng nụ cười tươi rói, tính cách dễ thương của Tân đã xóa tan đi khoảng cách với mọi người. Mỗi năm, Tân đóng góp hơn 20 ngày công cho các phong trào thanh niên, được xã đoàn biểu dương là đoàn viên tiêu biểu xuất sắc.

Khuyệt tật là thế, nhưng Tân vẫn vừa làm ruộng, nuôi bò, phụ dàn nhạc. Hiện nay, Tân là trụ cột của gia đình và phụng dưỡng cha mẹ già. Năm vừa rồi, gia đình Tân đã thoát nghèo. Nói về tương lai, mẹ Tân cười hiền, dẫn chúng tôi ra xem đàn bò của anh. “Từ một con nghé con cậu cho, nó chăm nuôi mấy năm nay được 3 con bò đấy”, mẹ Tân tự hào khoe.


Bài, ảnh: HIỀN THU



 


.