Tây Trà chủ động ứng phó với mưa lũ

02:10, 09/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tây Trà có địa hình phức tạp, nhiều dãy núi cao và thung lũng sâu. Mùa mưa, các xã trên địa bàn huyện đều có nguy cơ sạt lở núi, lũ ống, lũ quét ở các sông, suối rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của nhân dân... Vì thế, gần một tháng qua, huyện và các địa phương đã khảo sát, xây dựng các phương án ứng phó với mùa mưa bão sắp đến.

TIN LIÊN QUAN

Có mưa là sạt lở
 
Sau những trận mưa lớn vào đầu tháng 9 do ảnh hưởng của bão số 4, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Tây Trà đã bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Tại cầu nước Tul thuộc tuyến Tỉnh lộ 622B (thôn Hà Riềng, xã Trà Phong), dấu tích của vụ sạt lở đường vẫn còn, dù đó chỉ là trận mưa đầu mùa. Hàng khối đất đá từ ta luy dương đổ ập xuống đường, gây ách tắc giao thông, chính quyền phải huy động phương tiện, nhân lực để giải phóng ách tắc.
 
Không chỉ vậy, trận mưa này cũng  gây sạt lở tại 14 điểm ở các xã Trà Khê, Trà Thanh, Trà Quân, Trà Phong và Trà Xinh; làm  hư hỏng 9 ngôi nhà của người dân. Tuyến đường Trà Phong – Trà Xinh bị sạt nền đường... Đây không chỉ là thách thức lớn mà còn là lực cản trong phát triển kinh tế - xã hội ở huyện nghèo này.
 
Tình trạng sạt lở gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường ở huyện Tây Trà thường xuyên xảy ra vào mùa mưa bão. Trong ảnh: Tuyến tỉnh lộ 622B lên Tây Trà bị sạt lở trong cơn bão số 4 vừa qua.
Tình trạng sạt lở gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường ở huyện Tây Trà thường xuyên xảy ra vào mùa mưa bão. Trong ảnh: Tuyến tỉnh lộ 622B lên Tây Trà bị sạt lở trong cơn bão số 4 vừa qua.


Theo khảo sát của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Tây Trà, trên địa bàn huyện còn 4 địa điểm có nguy cơ cao về sạt lở núi tại các xã: Trà Thanh, Trà Khê, Trà Xinh và Trà Phong. Số hộ nằm trong vùng nguy hiểm là 133 hộ, với 636 khẩu.

Chủ động các phương án “4 tại chỗ”

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy – Trưởng Phòng NN&PTNT, ủy viên Thường trực BCH PCTT&TKCN huyện Tây Trà, cho biết: Đến thời điểm này, các phương án ứng phó với bão lũ đã và đang được triển khai theo kế hoạch. Theo đó, huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy với 36 người và phân công cụ thể cho các thành viên đứng cánh địa bàn để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc địa phương thực hiện công tác ứng phó với mưa bão.

Huyện đã trích kinh phí hơn 500 triệu đồng để mua 30 tấn gạo dự phòng và các nhu yếu phẩm như mắm, muối, dầu ăn... Ban chỉ huy đã mua các dụng cụ như áo mưa, đèn pin... để cấp phát cho cán bộ tham gia công tác ứng phó với mưa bão. Đặc biệt, với 2 xã Trà Thọ và Trà Xinh nằm ở khu vực hồ Nước Trong được huyện chỉ đạo thường xuyên thông tin cho người dân biết về mực nước dâng, cấm người dân đánh bắt cá trong lòng hồ khi có bão, lũ.

Để thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ”, các lực lượng Quân sự, Công an, Đoàn thanh niên đã lên kế hoạch trực ban ở các khu vực xung yếu trên tuyến Tỉnh lộ 622B và một số tuyến giao thông chính trên địa bàn huyện để cảnh báo, hướng dẫn không cho người qua lại các khu vực nguy hiểm; đồng thời thông tuyến giao thông để đảm bảo việc đi lại và thông tin trên địa bàn huyện.

Tại các xã, các lực lượng địa phương tổ chức trực khi có mưa, bão sẵn sàng hỗ trợ nhân dân di dời đến địa điểm an toàn khi có sạt lở núi xảy ra. Ngành y tế cũng đã được chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thuốc men dự phòng.

Bên cạnh công tác chuẩn bị của BCH PCTT&TKCN, chính quyền cũng tổ chức tuyên truyền cho người dân, nhất là tại các vùng có nguy cơ sạt lở núi, khu vực gần sông suối, hồ Nước Trong để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn khi có mưa lớn xảy ra. Hạn chế không qua sông, suối khi mưa lớn; tích trữ lương thực, thực phẩm để sử dụng đề phòng mưa lũ gây sạt lở, cô lập nhiều ngày.

Bài, ảnh: X.THIÊN

 


.