Ngư dân bức xúc vì sông bị lấn chiếm

01:10, 24/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sông Sa Kỳ là nơi neo đậu, trú bão cho khoảng hơn 400 tàu thuyền của ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) và một số địa phương khác. Thế nhưng, hiện nay nhiều hộ dân đã lấn chiếm khu vực sông để kinh doanh, xây dựng nhà ở trái phép, làm cho tàu thuyền không có nơi neo đậu.
 
Ngư dân bức xúc

 Thời gian qua, nhiều ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) bức xúc trước việc sông Sa Kỳ bị nhiều hộ dân lấn chiếm để kinh doanh và xây dựng nhà ở trái phép. Theo ngư dân, sông Sa Kỳ là nơi neo đậu, trú bão cho trên 430 tàu thuyền của ngư dân xã Bình Châu và ngư dân của một số địa phương khác.

Sông Sa Kỳ bị lấn chiếm, gây khó khăn cho việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân.
Sông Sa Kỳ bị lấn chiếm, gây khó khăn cho việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân.

Dân sống phụ thuộc vào cửa sông này trên 2.100 hộ, với hơn 8.000 nhân khẩu. Ngoài ra, sông Sa Kỳ còn là nơi thoát lũ vào mùa mưa bão cho xã Bình Châu, nay bị lấn chiếm, dòng sông thu hẹp gây ngập úng kéo dài, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện khoảng 50ha đất trồng lúa bị nhiễm mặn phải bỏ hoang. Cửa sông Sa Kỳ còn là nơi buôn bán thủy, hải sản. Cảng Sa Kỳ nối liền với đảo Lý Sơn, du khách ra vô tấp nập giữa đất liền với hải đảo. Vì vậy mà việc nhiều hộ dân lấn chiếm dòng sông để xây dựng nơi buôn bán thủy, hải sản và xây dựng cây xăng dầu, khiến khung cảnh rất lộn xộn.

 Ngư dân Võ Văn Hân ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, cho biết: Sông Sa Kỳ trước kia tàu thuyền tự do neo đậu và tránh bão. Tuy nhiên, hiện dòng sông này bị nhiều hộ dân lấn chiếm, mỗi lô khoảng từ 20 - 30m. Điều đáng nói là, kho xăng của ông Lê Trung Trí trước đây là nơi neo đậu của khoảng 50 - 100 chiếc tàu, nay ông Trí xây dựng kho xăng dầu, không cho neo đậu nữa, nếu muốn neo đậu thì phải đóng tiền từ 200.000-300.000 đồng/ngày.

Vượt thẩm quyền của xã?

 Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi về vấn đề này, ông Lê Văn Nguyên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Châu, cho biết: Theo kết quả kiểm tra sơ bộ, sông Sa Kỳ hiện có 33 hộ dân lấn chiếm, mức độ lấn chiếm nhiều ít khác nhau. Trong số này, một số hộ đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Dòng sông Sa Kỳ lâu nay vẫn là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân xã Bình Châu và là nơi trú bão an toàn cho nhiều tàu thuyền của địa phương khác. Đây cũng là nơi thoát lũ cho xã Bình Châu vào mùa mưa. Việc lấn chiếm dòng sông đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho đời sống nhân dân, đặc biệt là ngư dân.

“Tình trạng lấn chiếm dòng sông rất phức tạp, vượt thẩm quyền giải quyết của xã, nên địa phương đã có báo cáo lên huyện để tìm hướng giải quyết. Trước mắt, xã đã xây dựng kế hoạch kiểm tra nhằm xác định rõ các sai phạm của cá nhân, tổ chức nào”, ông Nguyên nhấn mạnh.

 Giải thích về quá trình “tồn tại” cây xăng dầu của ông Lê Trung Trí, lãnh đạo xã Bình Châu cho biết, cây xăng dầu này được xây dựng trên 2 thửa đất mà trước đây UBND xã Bình Châu cấp cho ông Can đào hồ nuôi tôm. Sau đó, ông Trí mua lại và chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi thực hiện Nghị định 64/CP về thực hiện phân chia ranh giới bản đồ thì công nhận diện tích của ông Trí thuộc thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh, nay là TP.Quảng Ngãi). Thời điểm ông Trí làm cây xăng là sau thời điểm ký bản đồ địa chính, nên xã Bình Châu không có thẩm quyền để xem xét đối với hộ ông  Lê Trung Trí.

Nhiều cơ quan quản lý sông Sa Kỳ

Theo ông Lê Văn Nguyên, sông Sa Kỳ nằm trên địa phận xã Bình Châu, nhưng hiện nay, việc quản lý hành chính, quản lý đường thủy, quản lý bến cảng có nhiều cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến huyện và xã tham gia như: Ban Quản lý Cảng Sa Kỳ (Sở GTVT), Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh), UBND huyện Bình Sơn, UBND xã Bình Châu... Trong thời gian qua, nhiều trường hợp lấn chiếm sông Sa Kỳ bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng chỉ dừng lại ở mức phạt tiền, chưa có trường hợp nào bắt buộc khôi phục lại nguyên trạng. Do đó, xã rất mong các cơ quan liên quan thống nhất hướng giải quyết, tạo thuận lợi trong công tác quản lý giao thông đường thủy trên sông Sa Kỳ.

 


 Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.