"Tình ta biển bạc đồng xanh..."

04:09, 24/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù cuộc sống có nhiều biến cố, thăng trầm, nhưng họ-những cựu chiến binh đã nên duyên vợ chồng từ năm tháng chiến tranh ác liệt vẫn bên nhau để vượt qua nghịch cảnh, nuôi dạy con cái nên người. Đó là câu chuyện của vợ chồng cựu chiến binh Đào Sông Thao và Nguyễn Văn Tấn, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức).


Trở trời, người đau nhức, chân không cử động được, nhưng thương binh 1/4 Nguyễn Văn Tấn vẫn xung phong ra vườn... hái bưởi đãi khách. Cây bưởi phía sau nhà sai quả, nhưng thấp. Vậy mà cũng phải chật vật một hồi, ông Tấn mới tìm hái được những quả ưng ý. Mồ hôi ướt đẫm, nhưng trông ông phấn khởi, mắt lấp lánh niềm vui, nhìn chẳng giống người đang bị thương tật 81% chút nào. Nhưng chỉ ngồi một lát, ông lại xuýt xoa vì tay chân tê buốt, không cử động được.

“Cứ trở trời là ổng y như người... chết giả vậy! Lúc thì đau chân tê tay, lúc lại đau đầu ù tai, nên lúc nào cũng phải có người “giữ” ổng thế đó”, bà Thao giãi bày. Công việc “giữ” ấy, dường như đã được bà Thao lặp lại hơn 40 năm qua, kể từ ngày cô gái xứ Nghệ Đào Sông Thao gắn bó đời mình với chàng thương binh 1/4 Nguyễn Văn Tấn.

Vượt qua những thăng trầm, biến cố của cuộc sống, vợ chồng ông Tấn bà Thao vui vầy, thảnh thơi lúc xế chiều.
Vượt qua những thăng trầm, biến cố của cuộc sống, vợ chồng ông Tấn bà Thao vui vầy, thảnh thơi lúc xế chiều.


Năm 1971, ông Tấn với vết thương quá nặng đã được đưa vào Bệnh viện 108 điều trị, sau đó chuyển vào Trung tâm điều dưỡng Uông Bí (Quảng Ninh) để tập vật lý trị liệu. Từ một chiến sĩ, lại là “dũng sĩ diệt ác ôn” của huyện Mộ Đức mà phải nằm một chỗ với thương tật trên 81%, ông Tấn suy sụp. Những ngày ở Trung tâm điều dưỡng Uông Bí, ông Tấn luôn dằn vặt mình “là người bệnh tật, là gánh nặng cho mọi người”. Ý nghĩ ấy chỉ dần thay đổi khi ông Tấn gặp bà Thao.

Sau nhiều năm tham gia chiến đấu ở vùng đất lửa Quảng Bình và gửi lại nơi ấy một phần cơ thể của mình, đến năm 1969, bà Thao thực hiện lệnh điều động của cấp trên, ra tỉnh Quảng Ninh học sư phạm để thực hiện nhiệm vụ xóa nạn mù chữ. Ngày học, tối tham gia chăm sóc thương bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra điều trị. Ban đầu là sự đồng cảm, dần dần bà Thao đã dành tình cảm đặc biệt cho bệnh binh nặng nhất - ông Nguyễn Văn Tấn. Dù biết trước những khó khăn khi hai thương binh kết duyên với nhau, nhưng gạt bỏ tất cả, họ vẫn quyết tâm làm đám cưới vào năm 1974. Đến năm 1976, bà Thao rời quê hương Diễn Châu (Nghệ An), theo ông Tấn về vùng quê núi Ấn sông Trà.

Bốn đứa con lần lượt ra đời, trong khi ông Tấn mất hoàn toàn sức lao động. Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai cô giáo trẻ Đào Sông Thao. “Hồi ấy, mọi người gọi tôi là cô... thợ đụng”, bà Thao cho hay. Hết giờ đứng lớp, bà Thao lại tất tả chạy chợ, làm ruộng, rồi chăm heo, nuôi bò. Những khi vết thương không hành, ông Tấn cũng phụ giúp vợ những việc gia đình. Song, theo chia sẻ của bà Thao thì vì sức khỏe yếu, nên nhiệm vụ chính của ông Tấn là chăm sóc, dạy dỗ con cái. Đến giờ, khi đã bước qua tuổi 70, con cháu ông đều trưởng thành và thành đạt.

Tuy gánh nặng mưu sinh đã vơi, nhưng vì sức khỏe ngày càng xấu nên bà Thao vẫn phải “giữ” ông Tấn cẩn thận. Thế nên hình ảnh ông Tấn bà Thao ríu rít trồng rau, chăm gà đã trở nên quen thuộc với người dân thôn Thạch Thang. Để rồi mỗi khi hồi tưởng lại quãng đường đã qua, vợ chồng cựu binh này bộc bạch: “Chúng tôi vẫn còn may mắn vì được sống, được chứng kiến con cháu trưởng thành, được nhà nước chăm lo, được nhìn thấy quê hương đổi mới”. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Chỉ có lý tưởng sống cao đẹp cùng tình yêu mãnh liệt mới khiến những thương binh như ông Tấn bà Thao vượt qua khó khăn và nghịch cảnh để dệt nên cuộc sống đẹp như thế.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.