Những mảnh đời lang thang

04:09, 21/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ai trong mỗi chúng ta được sinh ra cũng muốn có cuộc sống yên bình, hạnh phúc bên người thân yêu. Nhưng, ước mơ rất đỗi bình thường ấy lại quá xa vời đối với nhiều mảnh đời lang thang ở Trung tâm GDLĐXH tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Xót xa những phận đời

Đến với Trung tâm GDLĐXH tỉnh, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là khu nhà được xây dựng khang trang dành cho người lang thang. Mỗi một con người khi đến đây đều có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng đều chung chữ “thiệt thòi”, “bất hạnh”. Người thì mồ côi cha mẹ, bị tâm thần hay bị bỏ rơi, không nơi nương tựa...

Những đứa trẻ lang thang, mồ côi đáng thương ở Trung tâm GDLĐXH tỉnh.
Những đứa trẻ lang thang, mồ côi đáng thương ở Trung tâm GDLĐXH tỉnh.


Ông Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm trầm tư nói: “Những người phải vào đây phần lớn là đối tượng lang thang, đa số mắc bệnh động kinh, rối loạn, trầm cảm, tâm thần phân liệt, mất trí tuổi già...  Họ suy nghĩ, nói năng không đâu vào đâu, có người không nhớ quá khứ của mình. Do tính chất bệnh lý, có trường hợp cơm không chịu ăn, thuốc không chịu uống... Làm trong môi trường này, nếu không có sức chịu đựng và chữ tâm thì khó trụ được”.

“Bệnh viện chỉ điều trị nội trú cho người bệnh thời gian ngắn, chứ không có chức năng nuôi dưỡng họ lâu dài, nên khi họ không có người thân nhận chăm sóc, buộc chúng tôi phải gửi họ lên trung tâm”.
Bác sĩ NGUYỄN THANH QUANG VŨ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần.

Trò chuyện cùng em Lê Bá Quốc Vũ, quê ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) mới biết hoàn cảnh của em rất đáng thương, mồ côi cha, mẹ. Khi mới hơn 10 tuổi, em đã đi lang thang kiếm sống, rồi được đưa vào đây để chăm sóc, điều trị bệnh tâm thần.

Chị Trương Thị Phượng, nhân viên hỗ trợ, chăm sóc người lang thang ở Trung tâm cho biết: “Mỗi khi “lên cơn” hai con mắt Vũ đỏ như lửa, đập, quậy phá dữ lắm. Những lúc như vậy, nhân viên phải hỗ trợ cho uống thuốc ổn định thần kinh cho em ấy”.

Còn em Nguyễn Đông, biệt danh ở trung tâm là Chuột. Quê ở xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) thì không nhớ mình bao nhiêu tuổi. Thấy Đông thường lang thang khắp các chợ bán bao lì xì, bữa đói, bữa no, nên cán bộ công tác xã hội đã đưa em vào trung tâm. Em có muốn về nhà không? Tôi hỏi. Đông cười lộ khoảng trống hai cái răng cửa, gật đầu lia lịa. “Em muốn về nhà, đi chăn bò, phụ  giúp ba mẹ”. “Em nói vậy, nhưng thật ra có lần chúng tôi đưa về nhà, đoàn tụ với gia đình, em lại đi lang thang, rồi lại tiếp tục vào đây”, ông Trang nói.

Trung tâm GDLĐXH tỉnh đang nuôi dưỡng 41 người lang thang (có 26 người bị tâm thần phân liệt và mắc một số bệnh khác). Nhiều năm qua, việc tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Do một số bị gia đình bỏ mặc, một số tái diễn tình trạng ăn xin, lang thang phải tiếp tục vào lại “ngôi nhà chung” này.

Bài toán giữa “người điên - người tỉnh”

Điều khó khăn của Trung tâm hiện nay là cùng một lúc phải chăm sóc đối tượng tâm thần và đối tượng bình thường khác. Mặc dù không có chức năng chăm sóc người bệnh tâm thần, nhưng họ là những người lang thang, điều trị ở Bệnh viện Tâm thần một thời gian, không nơi nương tựa, nên Trung tâm phải tiếp nhận chăm sóc.  Hầu hết bệnh nhân được Bệnh viện tâm thần hỗ trợ gián tiếp thuốc điều trị, nhưng lại không có bác sĩ  theo dõi diễn tiến sức khỏe, triệu chứng hằng ngày. Chính vì vậy mà có những câu chuyện đau lòng xảy ra tại đây.

Vào  tháng 7 vừa qua, chị Phan Thị Bích Ngọc, nhân viên Trung tâm đang đưa một số đối tượng lang thang ra sân tắm nắng trị liệu. Bất ngờ, bệnh nhân Vũ Tuấn Hải dùng cây gỗ đánh vào vùng mặt, khiến chị Ngọc ngất xỉu, trong khi chị Ngọc đang mang thai 4 tháng. Rất may là sau khi điều trị, thai nhi vẫn an toàn. "Để tạo môi trường an toàn cho các đối tượng và nhân viên ở đây, Trung tâm và Bệnh viện Tâm thần cần có quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, quản lý, điều trị đối với đối tượng là bệnh tâm thần. Có vậy mới hạn chế những mối nguy hiểm có thể xảy ra”, ông Nguyễn Thu Trang mong muốn.

 

  Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.