Người vợ liệt sĩ hiến đất "vàng" mở đường cho dân

08:09, 02/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong chiến tranh, sau khi chồng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ngay tại quê nhà, người phụ nữ một nách bốn con - Trần Thị Mai (xã Phổ Vinh, Đức Phổ) vừa thủy chung nuôi dạy con nên người, vừa kiên cường tham gia cách mạng, là thương binh 3/4... Đến thời bình, bà Mai lại tiếp tục tình nguyện xẻ đôi mảnh vườn, hiến đất mở đường dân sinh.

TIN LIÊN QUAN


Chồng liệt sĩ, vợ thương binh

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng bà Mai vẫn dành hẳn một góc vườn để lưu giữ những kỷ vật đã từng theo mình suốt những năm tháng mưa bom, đạn lạc trong thời chiến.

Cẩn thận lau chùi ba chiếc chum sành, bà Mai hồi tưởng: “Nhà tôi ngày trước bề ngoài là tiệm nấu rượu, bên trong là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng của huyện và xã. Vậy nên, những chum sành này chính là những kỷ vật chiến tranh quý giá mà tôi luôn cố gắng lưu giữ”.

Bao lần bị địch đốt nhà và phải di tản qua nơi ở mới, nhưng 3 chiếc lu sành ấy vẫn được gia đình bà bảo vệ vẹn nguyên. “Lúc chồng chưa hy sinh, thì cả hai vợ chồng cùng góp sức khiêng chum sành. Còn khi ông mất rồi, tôi chỉ có thể để chum sành nằm ngang rồi cứ thế lăn đi...”, bà Mai kể.

 

 Bà Mai đã tự nguyện xẻ đôi vườn nhà, nhường đất cho đường bê tông đi qua.
Bà Mai đã tự nguyện xẻ đôi vườn nhà, nhường đất cho đường bê tông đi qua.

Lấy chồng năm 18 tuổi, đến 28 tuổi bà Trần Thị Mai trở thành vợ liệt sĩ. Cuối năm 1967, ông Huỳnh Năm – chồng bà hy sinh tại thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường, thì đúng 3 tháng sau đến lượt bà bị địch bắt giam vào nhà lao Đức Phổ. Ôm người con gái út mới 7 tháng tuổi vào nhà lao, bà Mai vừa chăm con, vừa kiên cường vượt qua những năm tháng tù đày.

Sau hơn 1 năm chịu đựng khổ cực trong nhà lao, bà Mai được thả. Vừa được trả tự do, chưa vui xong niềm vui đoàn tụ cùng các con, bà lại tiếp tục trở lại góp sức cho cách mạng. Các hoạt động liên lạc, đấu tranh chính trị, binh vận... tại địa phương, hầu hết đều có sự nhiệt tình tham gia của người phụ nữ kiên trung này.

“Lần nào mang xác cơm rượu ra bãi biển để chôn lấp, tôi cũng giấu theo cơm nắm, muối mè cho du kích đang trú ẩn ngoài ấy. Địch cứ nghĩ mình chỉ chôn xác cơm rượu vào hố, chứ đâu ngờ mình mang theo cả lương thực cho quân ta”, bà Mai hồi tưởng. Cứ thế, dù chồng đã hy sinh, nhưng bà Mai vẫn kiên cường tham gia cách mạng và vẹn tấm lòng sắt son, nuôi 4 con nên người.

Tình nguyện hiến đất "vàng"

Chịu nhiều vất vả, gian truân trong thời chiến, đến thời bình, bà Trần Thị Mai lại tiếp tục hy sinh lợi ích cá nhân vì việc chung khi tự nguyện hiến hơn 300m2 đất, để làm đường giao thông nông thôn tại địa phương. Điều đáng nói là việc hiến đất để mở tuyến đường này sẽ khiến mảnh đất nhà bà Mai bị xẻ làm hai. Ấy thế nhưng khi nghe cán bộ địa phương đến ngỏ lời, bà Mai liền đồng ý ngay.

Tỉ mỉ phát dọn cỏ và tỉa lại luống hoa dọc đoạn đường bê tông ngang qua vườn nhà, bà Mai vui mừng bảo: “Ngay tại vị trí đường đi qua, là vườn cây, vườn rau mà tôi kỳ công vun trồng ngày trước. Giờ hai bên đường là hai mảnh vườn, nên cũng bất tiện lắm. Nhưng nếu là để làm đường vì tập thể, cho con cháu có đường to, đường đẹp đi học, thì mình chịu thiệt tí cũng không sao”...

Nói về tấm lòng góp sức vì việc chung của bà Mai, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Vinh cảm kích: “Nếu không có sự đồng thuận của bà Mai, chúng tôi sẽ không thể nào hoàn thành tuyến đường bê tông từ ngã 3 nhà ông Đường đi nhà ông Mẹo, thôn Trung Lý. Việc bà Mai hiến đất để làm đường bê tông rộng đến 6,5m và dài hơn 50m là một nghĩa cử rất đáng trân trọng”...


Bài, ảnh: Ý THU


 


.