Mong ước của cụ bà 70 tuổi

09:09, 20/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm nay bà đã bước sang tuổi 70, nhưng vẫn sống lẻ loi trong căn nhà nhỏ nơi xóm chợ. Tủ thờ đặt trang trọng giữa nhà, bên trên là bằng công nhận liệt sĩ và tấm hình của “chồng” bà. “Là chồng, nhưng lại chưa phải là chồng”, bà Lê Thị Nga, ở thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn)  cười buồn bảo vậy.

Danh chính nhưng ngôn chưa thuận

Bà Nga bắt đầu câu chuyện đời mình với chúng tôi bằng câu nói trên. Bà kể, năm 1962, tôi tham gia hoạt động cách mạng, công tác tại xã Bình Nguyên đã gặp anh Đoàn Văn Thinh, người cùng làng. Sau thời gian tìm hiểu và được hai bên gia đình cho phép qua lại, năm 1963 lễ ăn hỏi được tổ chức. Đến năm 1965, khi chỉ còn 2 ngày nữa là chính thức tổ chức đám cưới thì ông Thinh hy sinh, khi đang làm nhiệm vụ và được công nhận liệt sĩ.

 Bà Lê Thị Nga bên phần mộ liệt sĩ Đoàn Văn Thinh.
Bà Lê Thị Nga bên phần mộ liệt sĩ Đoàn Văn Thinh.


Sau khi ông Thinh hy sinh, bà Nga vẫn xem ông là chồng của mình, nên đã thực hiện bổn phận của một người con dâu trong gia đình chồng. Bà Nga thường đi về chăm sóc mẹ liệt sĩ Đoàn Văn Thinh, lo thuốc thang chăm sóc lúc ốm đau, quán xuyến mọi việc khi có giỗ chạp hằng năm.

Tình cảm ấy còn được nhân lên khi bà quyết ở vậy thờ chồng, mặc cho nhiều người dặm hỏi. “Dù một ngày sống với nhau cũng đã nên nghĩa vợ chồng rồi nên tôi theo đạo lý mà làm thôi”, bà Nga bảo. Trong thời gian hoạt động cách mạng, bà Nga bị địch bắt 3 lần, hiện là thương binh 2/4 và bà lại bị nhiễm chất độc da cam.

Sau giải phóng bà lại mải miết công tác, cống hiến, đến năm 1990 thì về hưu. Do không có chỗ ở, hoàn cảnh lại khó khăn, neo đơn nên được nhà nước cấp đất và xây dựng căn nhà tình nghĩa rộng khoảng 50m2 tại thôn Phước Bình. Lúc này, bà Nga được chị ruột của liệt sĩ Thinh giao ảnh chân dung và bằng công nhận liệt sĩ của ông, để thờ cúng tại nhà bà.

Năm 1997, gia đình liệt sĩ Đoàn Văn Thinh đã họp gia đình và thống nhất làm hồ sơ bổ sung bà Nga là thân nhân liệt sĩ. Năm 2000 và 2003, Hội đồng xét duyệt chính sách xã Bình Nguyên cũng đã thống nhất đề nghị cấp trên bổ sung bà Nga là thân nhân liệt sĩ và được hưởng chế độ tuất liệt sĩ.

Tuy nhiên, theo Nghị định 28/CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng thì bà Nga và ông Thinh chưa phải là vợ chồng hợp pháp, nên Sở LĐ-TB&XH đã kết luận bà chưa hội đủ yếu tố để huyện đề nghị công nhận là thân nhân liệt sĩ. Năm 2012, kết quả cuộc họp gia tộc họ Đoàn lại không thống nhất bổ sung bà Nga là thân nhân liệt sĩ Thinh, trái ngược hoàn toàn với những biên bản họp gia tộc trước đó.

Những năm tiếp theo, bà Nga cũng đã nhiều lần kiến nghị đến Tỉnh ủy, Sở LĐ-TB&XH, Đoàn ĐBQH tỉnh, Cục Người có công thuộc Bộ LĐ-TB&XH... nhưng kết quả phúc đáp khẳng định bà không đủ cơ sở pháp lý để được xác nhận là thân nhân chủ yếu của liệt sĩ, vì thế không có căn cứ để giải quyết chế độ tiền tuất liệt sĩ cho bà.

Mong ước của bà Nga

Bà Nga sống một mình trong căn nhà nhỏ, số tiền lương cùng các khoản trợ cấp hằng tháng đều dành phần lớn vào việc mua thuốc. Đưa chúng tôi đến thăm mộ chồng, ngồi lặng trước ngôi mộ cũ kỹ nằm giữa cánh đồng lộng gió, tấm bia chỉ được khắc dòng chữ đơn giản “Mộ liệt sĩ Đoàn Văn Thinh” cùng ngày sinh năm mất của ông đã mờ dấu thời gian, bà Nga ứa nước mắt bảo: “Giờ tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là được đưa anh vào Nghĩa trang liệt sĩ của xã để anh được tề tựu cùng đồng đội, không phải nằm cô đơn ở ngoài đồng nữa”.

Cầm xấp giấy tờ, chứng nhận thân nhân được ký chú rõ ràng, nhưng lại không đủ cơ sở pháp lý, bà Nga bày tỏ: “Sống với nhau một ngày cũng đã nên nghĩa vợ chồng, đằng nay tôi với anh Thinh cũng đã làm lễ ăn hỏi, nghĩa vụ với nhà chồng tôi cũng thực hiện đầy đủ. Tôi không tái giá, không con cái, một lòng thờ cúng chồng, nhưng rốt cuộc những việc tôi làm lại không bằng một lời xác nhận...”.

Năm nay bà đã bước sang tuổi 70, sức khỏe mỗi ngày một kém đi, bà Nga chỉ mong được công nhận là thân nhân của liệt sĩ Đoàn Văn Thinh để những ngày tháng cuối đời có thể sống thanh thản hơn, bù đắp phần nào cho nỗi cô đơn vò võ của bà.


Bài, ảnh: Xuân Hiếu


.