Khi nào hết cảnh "qua sông phải lụy đò"?

08:09, 26/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi nước sông dâng cao bao vây tứ bề, việc đi lại của người dân sống tại các “ốc đảo” trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn vì phụ thuộc vào các ghe đò. Nhiều năm qua, người dân các nơi này rất cần giải pháp bền vững để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, nhất là trong mùa mưa bão.

TIN LIÊN QUAN

Chông chênh mùa nước nổi

“Đường 6 tháng”, đó là tên gọi do người dân đặt cho con đường độc đạo dẫn vào “ốc đảo” giữa sông Trà Khúc đoạn qua xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi). Đây là nơi sinh sống của 390 hộ dân thôn Ân Phú và 60 hộ dân xóm Tân Lập, thôn Ngọc Thạch với hơn 1.500 khẩu, trong đó có 120 trẻ em trong độ tuổi đến trường. "Sở dĩ gọi là đường 6 tháng, vì người dân chỉ đi được vào 6 tháng mùa nắng, còn 6 tháng mùa mưa hầu như phải đi đò", ông Bùi Tỏi - Trưởng thôn Ân Phú cho biết.

Người dân ở “ốc đảo” thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn) phải đi đò qua sông vào mùa mưa.
Người dân ở “ốc đảo” thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn) phải đi đò qua sông vào mùa mưa.


Tuy nhiên, ngày thường con đường này đi lại đã khó khăn, vì sau những ngày mưa to, nước sông dâng lên tràn qua, khiến mặt đường chỉ toàn đá dăm lởm chởm. Người dân rất vất vả mới điều khiển được xe máy qua đoạn đường này. Còn vào mùa mưa, họ phải đi ghe đò mới qua bên kia sông, ảnh hưởng đến công việc và giờ giấc đến trường của học sinh. “Dù ốc đảo có 70ha đất sản xuất, nhưng việc kinh doanh, mua bán hoa màu, gia súc, gia cầm của người dân thường bị ép giá thấp hơn các nơi khác, vì thương lái lấy lý do vận chuyển bất tiện”, ông Bùi Tỏi cho biết thêm.
 

Di dời người dân ở xóm Lân

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), đã có 139 hộ dân sống ở “ốc đảo” xóm Lân di dời vào vùng tái định cư. Hiện nay còn 39 hộ còn ở tại xóm Lân. Sau nhiều lần gặp gỡ, vận động, có 19 hộ viết đơn thống nhất với việc di dời. UBND xã đã kiến nghị cấp trên khảo sát, tìm địa điểm di dời và hỗ trợ người dân khi họ chuyển đến nơi ở mới.

Còn tại “ốc đảo” thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn), từ giữa tháng 8, người dân phải đi đò qua sông Trà Bồng, đầy chông chênh và nguy hiểm giữa con nước mênh mông. Người dân nơi đây rất mong mỏi được hỗ trợ làm cầu bê tông qua sông. Đây là điều rất bức thiết bởi chậm một ngày là người dân còn khổ một ngày, ông Đỗ Minh Huấn - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết.

Cần giải pháp bền vững

Những ngày qua, để ứng phó với mùa mưa bão cận kề, người dân thôn Ân Phú đã chuẩn bị thuốc men, lương thực, ghe đò. Tuy nhiên, về lâu dài người dân nơi đây cần phương án bền vững hơn.

Ông Nguyễn Xuân Đương, một người dân cho hay, dân ở thôn Ân Phú và xóm Tân Lập, thôn Ngọc Thạch sinh sống lâu năm ở đây, nên mong muốn gắn bó với quê hương. “Chúng tôi chỉ mong có con đường cao ráo, có cống thoát nước để mọi người đi lại thuận tiện hơn trong mùa mưa bão”, ông Đương bày tỏ.

Còn giải quyết vấn đề bị chia cắt vào mùa lũ tại xã Bình Dương, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Phương án trước mắt, huyện đã hướng dẫn người dân ở thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương trồng và bảo vệ tre chống xói lở, hỗ trợ kinh phí gia cố để chống sạt lở, di dời một số người dân vùng ven sông.

Vừa qua, huyện đã hỗ trợ 500 triệu đồng mua thuyền để người dân có phương tiện bảo đảm hơn chiếc ghe cũ qua lại vào mùa mưa bão. Về lâu dài, chúng tôi đề xuất phương án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy của sông Trà Bồng để không gây sạt lở thêm vào khu vực sinh sống, sản xuất của người dân. Mùa mưa lũ, bố trí phương án dạy học bán trú cho các em độ tuổi mầm non. Mong cấp trên hỗ trợ kinh phí xây kè chống sạt lở và làm cầu bê tông dẫn vào thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương".


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.