Xuyên đêm trên công trường kè Sông Vệ

09:08, 23/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kè bờ bắc sông Vệ được UBND tỉnh đầu tư hơn 64 tỷ đồng để ngăn chặn tình trạng sa bồi, thủy phá, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong vùng. Để đảm bảo công trình vượt lũ, đồng thời lập thành tích chào mừng Quốc khánh 2.9, nhà thầu thi công đã và đang tập trung cao độ nhân lực, máy móc làm việc xuyên đêm trên công trường...

Chạy đua với con nước

Chúng tôi có mặt tại công trường thi công kè bờ bắc sông Vệ thuộc thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), công trình được đầu tư theo diện khẩn cấp năm 2016, vào sáng sớm khi thủy triều bắt đầu dâng cao. Máy móc, phương tiện thi công được anh Lê Tấn Thuyết - Công ty TNHH Xây dựng Trung Thiên Tân, chỉ huy công trường "phát lệnh" rời khỏi vị trí chân kè, di dời lên phần cao hơn để tiếp tục công việc, với khí thế rất khẩn trương.

Sôi động trên công trường kè bờ bắc sông Vệ.
Sôi động trên công trường kè bờ bắc sông Vệ.


Anh Lê Tấn Thuyết giải thích: "Thi công kè có tính chất đặc thù, khó và vất vả hơn. Phần chân kè nằm dưới mực nước bình thường, phải đợi thủy triều xuống mới thi công được. Mùa này con nước lớn vào ban ngày, ban đêm nước rút, vì thế công trường sôi động cả đêm, còn ban ngày công nhân được nghỉ ngơi".

Kế hoạch làm việc của nhà thầu được đặt ngay chân công trình ghi rõ: Công nhân vào ca 16 giờ chiều hôm trước, xuống ca lúc 3 hoặc 4 giờ sáng hôm sau. Thời gian từ 5 - 9 giờ, máy đào, máy ủi tập trung 100% thi công phần cao của công trình.

Đơn vị liên danh giám sát thi công là Công ty tư vấn xây dựng Phước Thành và Công ty TNHH tư vấn xây dựng Huy Hoàng cử cán bộ bám sát công trình, giám sát chặt chẽ từng công đoạn theo đúng thiết kế. Họ thức xuyên đêm với công nhân, kỹ sư xây dựng kè bắc Sông Vệ.

Ông Nguyễn Nam - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện Tư Nghĩa cho biết: "Chậm nhất là đến 30.8, phần chân kè sẽ hoàn thành, đảm bảo tiến độ vượt lũ. Đây là công trình khẩn cấp nên vừa thiết kế, vừa thi công, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ, thiết thực lập thành tích chào mừng Quốc khánh 2.9 năm nay".

"Hoàn thổ" cho đất bị thủy phá

Thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp những năm gần đây mỗi khi mùa mưa lũ về liên tục bị dòng sông Vệ gây sa bồi, thủy phá đe dọa đất sản xuất, nhà cửa, tính mạng nhân dân. Năm 2009 - 2010, cánh đồng thôn Thế Bình cuối dòng sông Vệ sau những trận lũ lớn, nước đã xé toạc những mảnh vườn xanh rì rau trái thành một dòng sông nhỏ.

Gần 5.000m2 đất thổ màu mỡ đang mùa thu hoạch hoa màu đã biến mất khỏi cánh đồng Thế Bình. Khi lũ đi qua, nước rút, "dòng sông nhỏ" sâu cả mét cạn dần, tạo điều kiện “lý tưởng” cho lớp lớp cây mai dương phát triển, lan rộng. Bốn hộ dân xã Nghĩa Hiệp có đất ở khu vực này trong tay dẫu còn tấm "giấy đỏ", nhưng thực tế không còn đất canh tác, cuộc sống vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, do quỹ đất công của xã Nghĩa Hiệp hạn hẹp, nên đến nay việc giải quyết cấp bù đất cho dân vẫn chưa được thực hiện.

Khi lập dự án thiết kế xây kè bờ bắc sông Vệ, UBND huyện Tư Nghĩa đã đưa ra phương án "một công, đôi việc". Theo đó, xúc toàn bộ bùn, đất thải phù sa dưới lòng sông trong phạm vi công trình đưa lên đổ vào "dòng sông nhỏ" để "hoàn thổ" gần 5.000m2 đất bị thủy phá kể trên.

Đến nay, khối lượng đất bùn bồi lắp đã đạt hơn 50%, cao trình bằng với những vạt rau màu kề cận. Ông Nguyễn Nam  cho biết: "Hy vọng lượng bùn đất thải nạo vét để làm kè đủ để bù đắp vào diện tích đất bị thủy phá, trả lại diện tích đất canh tác như trước đây cho người dân".

Còn ông Trần Văn An - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp vui mừng nói rằng, những tờ "giấy đỏ" năm xưa sẽ có cơ hội phát huy hiệu lực trở lại. Những hộ mất đất vì thủy phá sẽ lại có đất để canh tác, giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Xây dựng kè bờ bắc sông Vệ vì thế người dân ở đây gọi là "công trình một công đôi việc"...

Bài, ảnh: THANH NH
 


.