Xây nhà cho dân xong, bán nhà mình trả nợ

05:08, 24/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi hàng trăm ngôi nhà của người dân được xây dựng hoàn thành thì cũng là lúc những chủ thầu xây dựng rơi vào cảnh khó khăn, có người phải bán nhà để trả nợ vay ngân hàng, vì tiền nhận khoán không được trả đủ. Đó là tình cảnh của nhiều chủ thầu tham gia xây dựng nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 167 ở Trà Bồng gần 5 năm nay.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2012, thực hiện chủ trương của nhà nước về xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà ở, nhiều chủ thầu ở Trà Bồng đã "tranh thủ" để có được những hợp đồng xây dựng nhà cho dân những mong có được việc làm. Nhưng rồi, nhiều chủ thầu trong số đó đã rơi vào tình cảnh nợ nần.

Bán nhà trả nợ

Tiếp chúng tôi trong căn nhà được người dân cho thuê lại, ông Huỳnh Văn Thiên Sinh ở tổ dân phố 4, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) kể với giọng đượm buồn: Năm 2012, tôi nhận xây dựng 57 căn nhà cho người dân xã Trà Sơn và Trà Thủy theo diện nhà ở 167.

Theo hợp đồng, mỗi căn nhà có giá 24 triệu đồng. Trong quá trình xây dựng, nhà nước đã thanh toán được 2 lần với số tiền 15,4 triệu đồng/nhà. Số tiền còn thiếu 8,6 triệu/nhà, nên tôi còn bị nợ gần 500 triệu đồng.

Ngôi nhà mà anh Sinh thuê ở sau khi đã bán nhà mình để trả nợ.
Ngôi nhà mà anh Sinh thuê ở sau khi đã bán nhà mình để trả nợ.


Cách đây 5 năm, không ai nghĩ một chủ thầu như ông Sinh giờ đây phải đi ở nhà thuê. Theo ông Sinh, sau khi xây dựng và bàn giao nhà cho dân ở xong, để có tiền trả vật liệu, công thợ, ông Sinh phải chạy vay mượn khắp nơi. Nhưng rồi 5 năm qua, khoảng nợ còn lại ông vẫn chưa được thanh toán, đành phải bán nhà để trả nợ cho ngân hàng, một số khoản nợ vật liệu cũng chưa giải quyết xong.

“Khó khăn lắm tôi mới nhận làm số nhà lớn như vậy. Cứ tưởng làm xong sẽ được thanh toán, nào ngờ giờ lại trắng tay. Không biết lấy gì để lo cho gia đình và hai đứa con”, ông Sinh chia sẻ trong nước mắt.

Ông Nguyễn Văn Thanh ở tổ 3, thôn Trung, xã Trà Sơn (Trà Bồng) cũng trong tình cảnh như ông Sinh. Sau khi hoàn thành xong 15 ngôi nhà diện 167 cho dân, ông được thanh toán trước 15,4 triệu đồng/nhà. Số tiền 129 triệu còn lại đến nay vẫn chưa nhận được.

Cầm thông báo nợ quá hạn của ngân hàng khiến ông bần thần, lo lắng từ nhiều tháng qua. Bởi lẽ, ngân hàng đã thông báo số tiền vay của ông đã bị chuyển sang nợ quá hạn, từ ngày 12.7.2016, với số tiền quá hạn là 104 triệu đồng và yêu cầu phải trả chậm nhất đến ngày 21.7.2016. “Sổ đỏ đã cầm cố rồi, giờ chỉ còn cái xác nhà, nếu bán luôn thì vợ con đành ra đường ở thôi”, ông Thanh xót xa.
 
Chờ dân vay được tiền?

Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Trà Bồng đã thực hiện xây dựng hoàn thành 884 ngôi nhà, với tổng số vốn hỗ trợ 13,6 tỷ đồng cho hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân 8,4 triệu đồng/nhà (7,4 tỷ đồng); nguồn vốn ứng trước của ngân sách tỉnh là 7 triệu đồng/nhà (gần 6,2 tỷ đồng).

Số tiền còn lại là 8,4 triệu đồng/nhà, người dân phải vay vốn từ Ngân hàng chính sách để trả. Tuy nhiên, đến nay trong 884 nhà cho hộ nghèo đã làm nhà, thì chỉ có 11 hộ ở xã Trà Bình đã được vay vốn, còn lại 873 hộ chưa được vay, với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Phong – Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Trà Bồng, cho biết, những chủ thầu tham gia xây dựng nhà 167 cho dân nhiều lần đề nghị được giải quyết số nợ còn lại, nhưng huyện cũng chỉ biết kiến nghị lên tỉnh xem xét. Theo đó, tỉnh sớm chỉ đạo Ngân hàng CSXH cho dân vay tiền theo suất 8 triệu đồng/nhà để gia đình diện xây nhà 167 thanh toán nợ cho các chủ thầu xây dựng.

Những chủ thầu xây dựng mà chúng tôi tiếp xúc hiện cuộc sống rơi vào cảnh rất khốn khó. Nhiều năm nay họ đi gõ cửa từ huyện lên tỉnh để mong nhận được số tiền còn nợ, nhưng rồi đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ cơ quan chức năng.

Bài, ảnh: X.THIÊN

 


.