Trách nhiệm và tấm lòng

02:08, 11/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc đảm bảo chế độ chính sách, công tác phục hồi chức năng (PHCN), giúp đỡ và hỗ trợ đời sống cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin được các cấp, ngành và xã hội đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, nhiều gia đình nạn nhân vươn lên ổn định cuộc sống.

Xây nhà, hỗ trợ sinh kế

Giờ đây, bước sang tuổi 95, ông Phạm Còn ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cảm thấy mãn nguyện khi được sống trong ngôi nhà mới. Ông Còn bị phơi nhiễm chất độc da cam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hai người con trai của ông cũng bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam. Vì thế, cuộc sống gia đình luôn gặp nhiều khó khăn, bản thân ông già yếu nên mọi việc trong nhà đều do một mình vợ ông cáng đáng.

Bà Đào Thị Tuyết Loan, vợ ông Còn cho biết: “Trước  đây nhà cửa xập xệ lắm, con cái bệnh tật, cuộc sống khó khăn nên không có tiền xây mới. Được Hội hỗ trợ 60 triệu đồng làm lại căn nhà, vợ chồng tôi vui lắm”.

Bà Esther Bucher (trái) hướng dẫn trẻ em là nạn nhân chất độc da cam luyện tập phục hồi chức năng.
Bà Esther Bucher (trái) hướng dẫn trẻ em là nạn nhân chất độc da cam luyện tập phục hồi chức năng.


Còn bà Huỳnh Thị Luận, ở xã Phổ Thuận (Đức Phổ) thì  không giấu hết niềm vui khi con bò của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh trao tặng cách đây 1 năm, nay đã đẻ được một con bê. Bà nói: “Con cái bệnh tật chẳng giúp được gì. May mà có con bò này để làm vốn”.

Gia đình bà Luận thuộc diện hộ nghèo, chồng bà, ông Nguyễn Quang Vinh bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hai người sinh được 5 người con thì có đến 2 người bị ảnh hưởng chất độc này. Hai năm qua, ông Vinh lại phát bệnh ung thư thanh quản, nên cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn.

Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà và tạo kế sinh nhai là hai hình thức hỗ trợ chính mà Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh tập trung kêu gọi các nguồn tài trợ, để giúp đỡ các nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn và đã mang lại hiệu quả lớn.
 

Hơn 10 năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã vận động, quyên góp được 37 tỷ đồng để thực hiện các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam. Qua đó đã góp phần giúp các gia đình nạn nhân da cam vơi bớt nỗi đau, khó khăn và tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Phục hồi để hòa nhập cộng đồng

Ông Huỳnh Sứ, ở tổ 5, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ) thật sự vui mừng khi đôi bàn tay của đứa con gái ông giờ có thể cầm nắm được các vật dụng, đôi chân đi lại dễ dàng hơn. Con gái ông Sứ bị nhiễm chất độc da cam từ ông, chân tay co rút từ nhỏ. Nhiều năm qua, ông Sứ đưa con đến các trung tâm trong tỉnh để tập luyện PHCN.

Thời gian gần đây, sức khỏe của ông ngày càng yếu, đi lại khó khăn, nên ông không thể đưa con đi được. Hơn 1 năm qua, kể từ khi Trung tâm PHCN Đức Phổ thành lập, gần nhà nên ông Sứ thường xuyên đưa con đến tập.

Ông Sứ, bảo: Chúng tôi rất vui khi con có nơi luyện tập, vui chơi. Cháu tiến triển rất nhiều, hòa nhập với mọi người. Năm 2011, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã vận động quyên góp xây dựng 2 trung tâm PHCN Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) và Đức Phổ, với tổng giá trị gần 8 tỷ đồng. Từ đó, nơi đây trở thành ngôi nhà chung của con em các nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật.

Hội còn phối hợp với các cơ sở y tế địa phương trong việc đưa các tình nguyện viên đến nhà nạn nhân bị khuyết tật, để luyện tập các bài vận động cho con em nạn nhân da cam. Những bài tập này cũng được các tình nguyện viên trao đổi, hướng dẫn lại cho người nhà nạn nhân. Tại trung tâm PHCN Đức Phổ, hơn 5 tháng qua, các nạn nhân được làm quen với vợ chồng ông Paul Bucher và bà Esther Bucher, điều dưỡng viên cao cấp về vật lý trị liệu thuộc Tổ chức phi chính phủ Mennonite central Committee (MCC), Hoa Kỳ. 

Bà Esther Bucher cho biết: Chúng tôi đến đây với mục đích giúp các em khuyết tật được luyện tập phục hồi chức năng. Sau các bài tập cơ bản, chúng tôi giúp các em tập các bài tập nâng cao hơn về vận động tay chân, về trí não, về mắt. Sau một thời gian tập luyện, các em có sự tiến bộ, có em bắt đầu học chữ. Tin rằng, các em có thể hòa nhập cộng đồng.

Ông Phan Thanh Long - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh cho biết: Với trách nhiệm của mình, Hội đã và đang nỗ lực trong công tác vận động các nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, Hội cũng chú trọng đến công tác phục hồi chức năng cho trẻ em là thế hệ nạn nhân thứ 2, 3 để các cháu có thể hòa nhập với cộng đồng. Những công việc làm được trong những năm qua, đã thể hiện tấm lòng của rất nhiều nhà hảo tâm và nhân dân, đối với nạn nhân chất độc da cam tỉnh nhà.

VŨ YẾN

 


.