Nghị định 46: Tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm ATGT

02:08, 07/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Từ ngày 1.8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông chính thức có hiệu lực. Ngoài việc bổ sung nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông (ATGT) mới, Nghị định còn tăng nặng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm. 

TIN LIÊN QUAN

Mạnh tay hơn với "ma men"
 
Thực hiện Nghị định mới này, trong những ngày qua, lực lượng kiểm soát giao thông trong toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân xử lý vi phạm giao thông theo mức phạt mới, nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo trật tự ATGT. Trong nhiều lỗi vi phạm bị tăng mức xử phạt lần này, thì lỗi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã được tăng mức phạt cao hơn nhiều lần so với Nghị định 171 trước đây. 
 
Cụ thể đối với người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở thì sẽ bị phạt từ 16 triệu đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 tháng đến 6 tháng. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn, mức phạt cao nhất là 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 5 tháng. 
 
 
Lỗi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã được tăng mức phạt cao hơn nhiều lần so với Nghị định 171 trước đây
Lỗi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã được tăng mức phạt cao hơn nhiều lần so với Nghị định 171 trước đây.
 
 
Trong những ngày đầu ra quân xử lý vi phạm giao thông theo Nghị định 46, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện ô tô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn vượt mức cho phép.
 
Điển hình như vào chiều ngày 1.8, lực lượng Cảnh sát giao thông Trạm Đức Phổ thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh khi tuần tra trên tuyến Quốc lộ 1 đã phát hiện xe bán tải mang biển kiểm soát 81C- 09456 tham gia giao thông với dấu hiệu khả nghi.
 
Sau khi ra tín hiệu dừng xe thì phát hiện tài xế Phạm Công Nghĩa (1977)  ở phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai có dấu hiệu say xỉn nên đã dùng thiết bị chuyên dụng đo nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra cho thấy, tài xế Nghĩa có nồng độ cồn 0,459mlg/l, vượt mức cho phép. Áp dụng mức phạt cao nhất của Nghị định 46, Trạm Cảnh sát giao thông Đức Phổ đã lập biên bản tạm giữ phương tiện 7 ngày, xử phạt tài xế 17 triệu đồng và tước giấy phép lái xe, xử lý đúng theo quy định.
 
Thực tế những vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng thời gian qua có không ít những vụ liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông rất nguy hiểm, thường gây nên tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. 
 
Vì vậy, mức phạt nghiêm khắc này đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện được người dân đồng thuận, qua đó sẽ góp phần  răn đe, giáo dục rất cao đối với người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra.
 
Tài xế Võ Minh Trung- TP.Quảng Ngãi cho rằng, khi có rượu, bia trong người mà lái xe rất nguy hiểm cho tính mạng nhiều người và gây nguy hiểm cho bản thân mình. Vì khi có nồng độ cồn trong người quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, khiến người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ được tay lái. Cho nên Nghị định 46 tăng mức mức phạt nặng cho hành vi này tôi rất tán đồng. Đây là việc làm hết sức cần thiết, nhằm giúp cho tình hình ATGT được đảm bảo an toàn. 
 
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục
 
Ngoài tăng mức xử phạt lỗi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP, còn có nhiều điểm mới, trong đó quy định tăng mức phạt tiền đối với hơn 100 hành vi vi phạm. Đáng chú ý, Nghị định điều chỉnh tăng gấp đôi mức phạt đối với các hành vi như: Người điều khiển mô tô, xe máy lạng lách đánh võng, chạy xe quá tốc độ quy định bị phạt từ 10-14 triệu đồng.
 
Với lỗi người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) sử dụng điện thoại di động, hoặc không đội mũ bảo hiểm bị xử phạt từ 100-200 ngàn đồng; không chấp hành tín hiệu giao thông bị phạt 300-400 ngàn đồng. Xe máy chạy quá tốc độ từ 20-35km/h bị phạt 5-6 triệu đồng. Lái xe, chủ phương tiện ô tô chở hàng hóa vượt trọng tải bị phạt từ 8-12 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 3-5 tháng…
 
Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cũng bị tăng mức phạt cao lên gấp 5 lần so với trước đây. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô, việc sử dụng chân để điều khiển vô lăng hoặc lạng lách, đánh võng, vượt quá tốc độ cho phép, đuổi nhau trên đường bộ bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng.
 
Tài xế vi phạm quy định trên mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe hoặc gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe ôtô có chất ma túy trong cơ thể cũng bị tăng mức phạt, với việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng hoặc phạt tiền 16-18 triệu đồng… 
 
Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm giữ vững TTATGT
Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm giữ vững TTATGT.
 
Để triển khai thực hiện Nghị định số 46, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức ra quân đồng loạt nhằm tuyên truyền các quy định mới người dân cũng như nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở từng địa bàn trọng điểm…
 
Trong những ngày đầu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo Nghị định 46 của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện, lập biên bản, xử phạt tiền trên 300 triệu đồng.
 
Thượng tá Hồ Văn Thư- Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh cho biết: Chúng tôi có kế hoạch làm theo chuyên đề, đồng loạt ra quân để tuyên truyền và  xử lý các trường hợp vi phạm ATGT theo Nghị định mới. Từ nay đến cuối năm, Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố sẽ tập trung làm quyết liệt hơn nữa để đem lại sự bình yên cho nhân dân.
 
Để Nghị định 46 được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát; đồng thời, để bảo vệ chính mình và những người tham gia giao thông, mỗi người dân hãy tuân thủ pháp luật về ATGT, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.
 
PV

.