Khi đồng tiền che lấp tình thân (Kỳ 3)

10:08, 26/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Những câu tục ngữ dung dị ấy có lẽ bất cứ người Việt nào cũng thấm nhuần. 

TIN LIÊN QUAN

“Nóng” án tranh chấp thừa kế
 
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, số vụ án tranh chấp di sản, tài sản thừa kế đã bằng 75% so với cả năm 2014 và 2015. 
 
Tình trạng kiện tụng giữa anh chị em ruột vì tranh chấp đất đai xảy ra rất phổ biến. Mâu thuẫn kéo dài không giải quyết được, không ít trường hợp đụng độ, hành hung, đi tù vì đâm chém lẫn nhau, thậm chí là gây ra án mạng.
 
Theo bà Bùi Thị Hồng Ánh- Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Quảng Ngãi, chưa lúc nào tranh chấp đất đai lại diễn ra nhiều như hiện nay, trong đó tranh chấp thừa kế đang trở thành hiện tượng điển hình. Giải quyết nội bộ không xong, họ khởi kiện ra tòa án. Người nào cũng có cái lý của mình. 
 
Bà Ánh phân tích: Khi mà đất đai càng có giá trị lớn cùng với trình độ dân trí ngày một nâng lên, người dân bắt đầu lục lại các giấy tờ, thủ tục đã xác lập trước đó, chủ yếu dựa trên tình cảm riêng thay vì pháp lý để khởi kiện giành lại quyền lợi cho mình. Có những vụ có mấy mét vuông đất, anh em cũng kéo nhau ra tòa.
 
 
Vụ án anh chị em ruột đưa đứa em tật nguyền ra Tòa ở Kiên Giang. Ảnh: Tuổi trẻ.
Vụ án anh chị em ruột đưa đứa em tật nguyền ra Tòa ở Kiên Giang. Ảnh: Tuổi trẻ.

 

Đúc kết từ công tác xét xử án tranh chấp di sản, tài sản thừa kế trong nhiều vụ án cho thấy, dù tòa đã xét xử thành công, bản án có hiệu lực thi hành, nhưng công tác thi hành án vẫn “giậm chân tại chỗ” vì ý thức chấp hành pháp luật của nhiều công dân rất kém.
 
Là người trong cùng một gia đình, nhưng một khi đã xảy ra tranh chấp, họ xem nhau còn thua người dưng nước lã. Ganh ghét và đố kỵ hầu như không loại trừ giữa những người  ruột thịt.
 
Chia sẻ về vấn đề này, bà Ánh cho rằng, để hạn chế những tranh chấp trong gia đình gây ra bất hòa, những người làm cha làm mẹ và bậc làm con cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. 
 
Trong gia đình, từ những việc nhỏ nhất cũng tập thói quen rõ ràng, công bằng, phải thực thi theo quy định của pháp luật. Khi người dân càng am hiểu pháp luật thì chắc chắn tranh chấp dân sự, nhất là tranh chấp di sản, tài sản thừa kế trong gia đình sẽ giảm dần. 
 
Cần lắm những giọt nước mắt tại tòa
 
Chưa bao giờ, việc tranh chấp giữa những thành viên trong gia đình lại “nóng” như lúc này. Nó không chỉ là “gánh nặng” cho các cơ quan thực thi pháp luật mà anh em chia lìa, nền tảng đạo đức, các giá trị truyền thống của gia đình đã bị đảo lộn.
 
Một vị thẩm phán có thâm niêm trong ngành 30 năm chia sẻ: “Vụ án nào cũng được giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Dĩ nhiên cái tình luôn thua cái lý, nhưng thực sự chúng tôi rất buồn vì đạo đức ở nhiều gia đình hiện nay đã bị xói mòn”.
 
Bình thường HĐXX không để đương sự khóc tại tòa sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Nhưng trong những vụ án này, cần lắm những giọt nước mắt của người trong cuộc để đánh thức lương tâm, tình cảm thiêng liêng, ký ức tốt đẹp mà họ đã từng xây nên, nâng niu, vun đắp.
 
“Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Anh em như thể chân tay". Những bài học đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa giáo dục đạo đức và quan hệ huyết thống trong gia đình. Tình cảm gia đình vốn là tình cảm thiêng liêng nhất trong đời sống của con người. Ruột rà, gia bối còn quý hơn gấp vạn lần./.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.