Nhọc nhằn tuổi thơ vùng nông thôn

01:06, 15/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày hè là khoảng thời gian để trẻ em được nghỉ ngơi, vui chơi, trải nghiệm nhằm lấy sức chuẩn bị cho  năm học mới. Thế nhưng, với không ít trẻ em nghèo vùng nông thôn, ngày hè là chuỗi ngày các em phải tự lập mưu sinh để nuôi ước mơ cho mình, chia sẻ gánh nặng cùng bố mẹ...         

TIN LIÊN QUAN

Vừa hoàn thành chương trình lớp 6, em Phạm Thị Hồng Nhung thôn Huy Ba, xã Ba Thành (Ba Tơ) đã theo các cô chú ở xóm đi lột vỏ keo để kiếm tiền. Với em, ngày hè còn là khoảng thời gian để em tích góp tiền chuẩn bị vào năm học mới. Vì thế mà em làm mọi việc, từ lột vỏ keo, trồng cây thuê đến hái rau dớn, rau má, bắt ốc, tôm tép đổi mắm, muối.

Muôn cảnh mưu sinh của trẻ thơ nghèo trong ngày hè.
Muôn cảnh mưu sinh của trẻ thơ nghèo trong ngày hè.


Tuổi thơ của Nhung gửi vào những toan tính đời thường mà đáng lẽ ra em không phải gánh vác. Kể từ ngày cha mất, mẹ đi bước nữa, em ở với bà nội, nhưng nội đã già yếu, nên mọi cái ăn, mặc và chi phí đến trường đều một tay em lo liệu. Năm nay em mới tròn 13 tuổi, nhưng so với bạn bè em già dặn hơn nhiều.  Bởi nắng gió vùng cao đã làm da em đen sạm, công việc quá nặng nên đôi tay của em cũng đã sớm chai sần... “Ai kêu gì cháu cũng làm để bà cháu có cái ăn, mua được đồ mới để đến trường”, Nhung thỏ thẻ. Hoàn cảnh của em đã làm bao người trong làng cảm động, nên có việc gì cũng gọi em đi làm. Dù ngày kiếm được 40 nghìn đồng hoặc 60 nghìn đồng, nhưng với em đó là khoảng tiền nuôi những ước mơ cho tương lai.

Ở vùng ven biển Quảng Ngãi cũng có nhiều hoàn cảnh như em Nhung. Em Nguyễn Thị Ngọc Quý ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), cha mẹ mất sớm, nên vừa kết thúc năm học em liền tìm công việc nơi cảng cá Sa Kỳ. Mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, nhưng Quý vẫn không nản lòng. Quý bảo: “Con lặt đầu cá, cô chú cho bao nhiêu cũng được... miễn là có tiền để mua sách, vở chuẩn bị cho năm học mới là vui rồi”.

Biết phận nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ nên Quý dù là con gái áp út trong gia đình có 4 anh em, nhưng em đã có ý thức tự lập từ khá sớm. Những ngày người anh xa quê học đại học ở Sài Gòn, chị gái bận bịu lo chuyện học thêm năm cuối cấp 3, Quý mới học hết lớp 6, nhưng em đã biết làm mọi việc. Từ giặt giũ quần áo, nấu ăn, đến kiếm tiền chi tiêu trong gia đình. Ở bến cá Sa Kỳ, ai cũng biết hoàn cảnh của em, nên mỗi khi em đi làm thì ngoài số tiền kiếm được, trong chiếc thúng của em bao giờ cũng có đôi ba con cá, con tôm từ tấm lòng bà con thương tình cho thêm.

Trên con đường đi qua trong những ngày hè, đây đó, chúng tôi bắt gặp muôn cảnh mưu sinh của trẻ thơ con nhà nghèo. Có trẻ mưu sinh cùng cha mẹ, có em sớm biết tự lập nên vừa bỏ vở là một mình lên phố bán vé số, ve chai, đánh giày... Có em, thay vì chiều xuống bơi lội tắm mát trên sông, vui đùa, trải nghiệm tuổi thơ của ngày hè thì lại lặng lẽ một mình bắt ốc, mò cua kiếm tiền tích góp cho năm học mới. Như ở nơi cuối nguồn con sông Trà Câu, xã Phổ Quang (Đức Phổ) đổ ra biển có nhiều loại ốc sinh sống.

Mỗi khi kết thúc năm học, chiều xuống có khá nhiều em nhỏ dàn hàng ngang, hàng dọc, ngụp lặn, xúc, mò bắt ốc, hay chạy dài trên mé biển để bắt còng, bắt cua... Chính đồng tiền mặn chát mồ hôi trong những ngày hè nắng gắt ấy, đã thắp lên cho các em niềm vui nho nhỏ khi chia sẻ gánh nặng mưu sinh cùng với ông bà, cha mẹ, anh chị. Đó cũng là sự trải nghiệm, nhưng khá nhọc nhằn đối với các em...

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.