Gần 20 hội viên phụ nữ tố cáo bị lừa đứng tên vay hộ

09:06, 22/06/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Hội viên phụ nữ vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp mà không hay biết mình bị lừa, cho đến khi ngân hàng đến tận nhà đòi nợ. Đó là tình cảnh dở khóc dở mếu của gần 20 hội viên phụ nữ ở phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi).
 
Bỗng dưng thành con nợ khó đòi
 
Chi Lê Thị Bích Thủy, một hội viên phụ nữ ở tổ 6, phường Nghĩa Lộ vừa bị Ngân hàng Đông Á chi nhánh Quảng Ngãi khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP. Quảng Ngãi vì hành vi nợ quá hạn. Điều đáng nói chị Thủy là nạn nhân của vụ đứng tên cho người khác vay “ghép”, để rồi tai bay vạ gió trở thành con nợ khó đòi, trong khi gia cảnh khó khăn.
 
Thuật lại sự việc, chị Thủy kể: Vào giữa năm 2015, chị Thủy cần vốn buôn bánnên tìm đến nhờ bà H hỏi vay gói tín dụng tín chấp ngắn hạn trong thời hạn 1 năm, với lãi suất 10.5%/năm của Ngân hàng Đông Á, số tiền cần vay là 15 triệu đồng. 
 
Bà H đồng ý giúp đỡ với điều kiện chị Thủy phải đứng tên vay số tiền là 20 triệu đồng chứ không phải 15 triệu đồng như theo yêu cầu của chị Thủy. 
 
Bà H lý giải: Bà ghép với hộ vay khác, vì hộ kia bị nợ quá hạn nên ngân hàng không cho vay, nhờ chị Thủy đứng tên vay giúp 5 triệu đồng. Phần chị Thủy trả mỗi tháng 1.380.000 đồng, còn phần vay giúp 5 triệu đồng, mỗi tháng trả 420.000 đồng, bà H cam kết có nhiệm vụ thanh toán. Nếu chị Thủy đồng ý với phương án đấy thì bà sẽ làm hồ sơ thủ tục đề nghị ngân hàng cho vay.
 
Cũng theo lời chị Thủy, chị có gặng hỏi “ghép” với ai , nhưng bà H nói như đinh đóng cột “ngân hàng tin tao, tụi bây sợ gì? Mày cứ trả phần này, phần kia tao chịu trách nhiệm”.
 
Về phía ngân hàng, khi nhân viên đến nhà chị Thủy thẩm định tài sản, chị Thủy có trình bày sự việc như bà H trao đổi, nhưng không nghe nhân viên có phản ứng gì.
 
Sau khi được giải ngân, hàng tháng chị vẫn đều đặn mang tiền đến nhà bà Hơn nộp số tiền cho ngân hàng. Trong sổ chi tiết theo dõi vay vốn, bà H vẫn ghi nhận số tiền chị Thủy vay là 15 triệu đồng, số tiền góp hàng tháng là 1.380.000 đồng.
 
 
Chị Dung, một trong những nạn nhân của trò lừa vay
Chị Dung, một trong những nạn nhân của vụ việc.
 
Thế nhưng, đến tháng 8 năm 2015, bỗng dưng nhân viên ngân hàng đến tận nhà đòi chị Thủy khoản tiền góp hàng tháng mà bà H không nộp cho ngân hàng, nên chị Thủy phải có trách nhiệm trả nợ.
 
Hàng xóm của chị Thủy, chị Dung thuộc diện hộ cận nghèo, cả gia đình 4 con người sống chật vật trong căn nhà chưa đầy 10m2 cũng đứng hồ sơ vay tới 20 triệu đồng trong khi nhu cầu chỉ là 10 triệu đồng để về mua sắm bàn ghế, xoong nồi bán bánh bèo, vịt lộn.
 
Chị Dung bộc bạch: "Cả đời chị chưa bao giờ biết đến cái thẻ ATM, khi ngân hàng giải ngân chị phải nhờ nhân viên hướng dẫn rút khoản tiền vay của mình và bà H mượn thẻ chị đi rút khoản tiền còn lại".
 
Đều đặn từ tháng 3- 8.2015, đến kỳ trả nợ, chị Dung đến nhà nộp cho bà Hơn 920.000 đồng. Bà H thu và ghi vào sổ theo dõi cho chị Dung mang về làm tin. Đến tháng 9.2015, ngân hàng đến đòi nợ chị Dung khoản tiền 1.840.000 đồng, vì bà H “quỵt” nợ. 
 
Không chỉ chị Thủy, chị Dung mà 15 hội viên phụ nữ khác bỗng dưng trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng với tổng số tiền lên đến 140 triệu đồng. Điều đáng nói, hầu hết các hội viên này rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
 
Tình ngay lý gian
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Minh Tình- Chủ tịch Hội LHPN phường Nghĩa Lộ xác nhận sự việc trên là có thật. Vai trò của bà H là hướng dẫn các hội viên về quy trình thủ tục và đứng ra thu nợ cho ngân hàng, việc “ghép” với hộ viên khác hay bà H lợi dụng để sử dụng mục đích cá nhân, Hội không nắm được, đến khi sự việc vỡ lở. 
 
Hội đã mời bà H, ngân hàng và các hội viên lên làm việc. Bà H không thừa nhận mình chủ động “ghép” hộ này với hộ khác, mà do các hộ tự thỏa thuận nên người đứng tên trong hồ sơ vay chiụ trách nhiệm, không thể đổ “oan” cho bà.
 
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Đình Huy- Giám đốc Ngân hàng Đông Á chi nhánh Quảng Ngãi cho rằng: Nguyên nhân của sự việc trên là do các hội viên cả tin, về tình phía ngân hàng rất chia sẻ với hội viên, nhưng về lý hội viên nào đứng ra vay phải có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, trường hợp một số hội viên để nợ quá hạn, tình thế bắt buộc ngân hàng phải khởi kiện ra cơ quan tòa án.
 
Lâm vào tình thế này, các hội viên không có khả năng gánh phần nợ của bà H nên đã ký đơn tập thể gửi cơ quan công an. Hiện Công an TP. Quảng Ngãi đang tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc. 
 
Theo một cán bộ đang công tác trong ngành Tòa án, tình trạng đứng tên vay giúp, bị lừa vay “ghép” không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện, còn nhập nhằng giữa luật dân sự và hình sự nên nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở để trục lợi.
 
Ở những trường hợp này, phần thiệt thòi rơi vào cả người đứng tên vay giúp, vay “ghép” và ngân hàng. Những nạn nhân này đều thuộc những hộ nghèo khó khăn nên dù có thắng kiện cũng rất khó khăn trong việc thu hồi nợ cho ngân hàng.
 
Để ngăn chặn  các vụ việc tương tự, trước hết người có nhu cầu vay vốn cần trực tiếp đến ngân hàng để làm thủ tục và tìm hiểu kỹ các điều khoản kèm theo khi vay vốn. Về phía ngân hàng, trách nhiệm là phải xác minh rõ các thông tin về khách hàng của mình, tránh những sự việc không hay nói trên.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.