Triển khai Luật Hộ tịch: Còn nhiều khó khăn

03:05, 22/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Hộ tịch năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1.1.2016 với nhiều quy định mới mang tính đột phá, phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, để luật này thực sự “đi vào cuộc sống”, thì đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn tỉnh cần nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, cũng như được đầu tư thêm trang thiết bị kỹ thuật.
 
Nhiều đột phá


 Theo Bộ Tư pháp, Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh riêng lĩnh vực hộ tịch với nhiều quy định mang tính đột phá sau hơn 60 năm thực hiện bằng các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các bộ. Đó là phân cấp mạnh công việc về cấp cơ sở, ứng dụng CNTT trong đăng ký, quản lý hộ tịch, đồng thời gắn việc cung cấp khai sinh với việc cấp số định danh cá nhân. Với những điểm mới này, nếu thực hiện thành công thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất. Các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, sử dụng thông tin để giải quyết các yêu cầu của người dân nhanh chóng, chính xác.

Công chức tư pháp - hộ tịch phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) giải quyết hồ sơ cho người dân.
Công chức tư pháp - hộ tịch phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) giải quyết hồ sơ cho người dân.


 Ông Phạm Minh Hòa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Luật Hộ tịch 2014 có nhiều nội dung mới, nhất là trong việc đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh. Trong đó, cắt giảm nhiều loại giấy tờ, cải tiến mạnh mẽ về thủ tục, phương thức nộp hồ sơ, giảm thời gian giải quyết... theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Luật quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây; có thể đăng ký tại nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Luật mới cũng phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở. Đó là thẩm quyền đăng ký khai sinh, kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ giao cho UBND cấp huyện giải quyết thay vì thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như trước đây; thời gian giải quyết thủ tục chỉ còn 15 ngày, rút ngắn còn một nửa so với trước...
 

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về thực hiện Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp ở cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo đúng quy định của Luật Hộ tịch trước ngày 1.1.2020. Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tuyển dụng, bố trí công chức làm công tác hộ tịch theo đúng quy định.

Thiếu người, thiếu cả thiết bị

 Với những thay đổi mang tính đột phá như trên, một trong những vấn đề được xem là cốt lõi, trọng tâm trong việc triển khai Luật mới này chính là yếu tố con người. Với khối lượng công việc tăng lên, nhiều ý kiến lo ngại cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp huyện, xã không đủ về số lượng và trình độ để “đưa luật vào cuộc sống”. Theo thống kê, Quảng Ngãi hiện có 302 công chức làm công tác hộ tịch; trong đó, cấp huyện có 23 công chức; cấp xã có 279 công chức. Đến nay, toàn tỉnh có 95 xã, phường, thị trấn bố trí 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch, còn lại 89 xã, phường, thị trấn chỉ bố trí một công chức. Đa số công chức này đều đáp ứng về trình độ chuyên môn theo quy định, với 69 người có trình độ đại học, còn lại đều đã tốt nghiệp trung cấp luật. Tuy nhiên, về cơ cấu, số lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là thiếu. Vì hiện nay, nhiều phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã chưa bố trí đủ biên chế phụ trách công tác Tư pháp - Hộ tịch.

 Theo kết quả rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh của Sở Tư pháp, trên thực tế, nhiều địa phương chỉ bố trí một công chức Tư pháp - Hộ tịch, nhưng lại phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ nên công chức khó hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ được giao. Do đó, trong quá trình thực hiện các công việc liên quan đến hộ tịch không thể tránh khỏi những sai sót, chậm trễ, gây phiền hà cho người dân. Hơn nữa, một số nơi sử dụng công chức Tư pháp - Hộ tịch trái với ngành nghề đào tạo. Một khó khăn nữa là, hiện chỉ có 126 xã, phường, thị trấn trong tổng số 184 xã, phường, thị trấn của tỉnh được trang bị máy vi tính để triển khai sử dụng phần mềm trong quản lý đăng ký hộ tịch, gây khó khăn cho công chức trong việc giải quyết công việc chuyên môn.
 

 Bài, ảnh: Đình Nguyên  
 


.