KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (14.5.1951- 14.5.2016)
Phấn đấu "vì sự nghiệp phát triển của ngành công thương Quảng Ngãi"

09:05, 12/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 2.10.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-TTg, lấy ngày 14 tháng 5 hằng năm là "Ngày truyền thống của ngành công thương Việt Nam". Đây là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, nhân viên ngành công thương Việt Nam nói chung và của Quảng Ngãi nói riêng.

Truyền thống vẻ vang

Ngành công thương Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển rất sớm. Ngày 28.8.1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Tuyên cáo của Chính phủ và kèm theo có nội các Thống nhất Quốc gia, với các Bộ tương ứng, trong đó có Bộ Kinh tế quốc gia. Bộ Kinh tế quốc gia bao gồm nhiều ngành kinh tế, trong đó có các chuyên ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam.

NMLD Dung Quất đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp Quảng Ngãi.                                                       Ảnh: HT
NMLD Dung Quất đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp Quảng Ngãi. Ảnh: HT


Ngày 14.5.1951, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp lần thứ 5 ngày 20 tháng 9 năm 1955 đã ra Nghị quyết "Bộ Công thương nay phân ra hai bộ: Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp". Từ đó đến năm 2007, sau các lần điều chỉnh tổ chức của Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp thành các Bộ chuyên ngành với tên gọi khác nhau. Năm 2007, Bộ Công thương được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và Thủ tướng Quyết định lấy ngày 14.5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công thương Việt Nam”.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, Bộ Công thương đã tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các chính sách, chủ trương lớn về công - thương nghiệp trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cũng trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã thực hiện chính sách “tự do hóa nội thương, quản lý ngoại thương” và ban hành chính sách, hệ thống pháp luật đấu tranh kinh tế với địch ở vùng bị tạm chiếm.

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo thành lập Sở Mậu dịch quốc doanh Trung ương và xây dựng hệ thống mậu dịch quốc doanh ở các vùng tự do trong cả nước để phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Ngoài ra, Bộ Công thương còn có nhiệm vụ đấu tranh bình ổn vật giá và trực tiếp phục vụ các chiến trường lớn, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1953 - 1954. Ghi nhận những đóng góp to lớn và để kịp thời động viên, cổ vũ các “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, vào tháng 3.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các cán bộ, nhân viên Bộ Công thương tại trụ sở đầu tiên của Bộ ở thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như các cơ quan đầu não của Trung ương, Bộ Công thương chuyển về Hà Nội, sau đó là nhiều lần thay đổi địa điểm làm việc cho phù hợp với tình hình thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng CNXH. Nhưng riêng địa danh Đồng Đon đã và mãi là cội nguồn, là biểu tượng của ý chí vượt khó vươn lên, là sự cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần cống hiến vì đất nước của cán bộ, nhân viên ngành công thương qua các thời kỳ...

Cùng với cả nước, ngành công thương Quảng Ngãi trong từng giai đoạn lịch sử cũng có những bước thăng trầm và thuận lợi, cũng như thách thức. Trong 30 năm đổi mới, cán bộ, nhân viên ngành công thương Quảng Ngãi đã nỗ lực vượt qua khó khăn khi nền kinh tế của tỉnh có xuất phát điểm thấp, mất cân đối, chưa thực sự ổn định, sức cạnh tranh còn yếu; tình hình suy thoái kinh tế ảnh hưởng còn kéo dài đối với các doanh nghiệp. Đời sống người lao động khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu...

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình vận động và phát triển, ngành công thương đã đạt những bước tiến cơ bản trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả đó là nhờ trong từng thời kỳ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đã xác định được bước đi phù hợp, biết khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển.
 

Các năm 2011, 2012, 2013, 2014, ngành công thương Quảng Ngãi được Bộ trưởng Bộ Công thương và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen;  năm 2015, được Chính phủ, Bộ Công thương tặng Cờ thi đua; giai đoạn 2010 – 2015, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhiều tập thể và cá nhân của ngành được Chính phủ, bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen.

Thành tựu trong 30 năm đổi mới

Đánh giá về kết quả phát triển công nghiệp, thương mại thời kỳ đổi mới, Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhận định: Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới phát triển đất nước theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Ngãi đã thu được những thành tựu đáng tự hào về phát triển kinh tế, đặc biệt ngành công nghiệp có bước phát triển đột phá, gắn với ra đời đi vào hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Ngành công nghiệp tỉnh, năm 1986 có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất lạc hậu, chủng loại sản phẩm ít, tổng sản lượng công nghiệp chỉ 132 tỷ đồng (giá so sánh 1989). Đến năm 1989, năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi, tổng sản lượng công nghiệp lại giảm xuống. Sau 25 năm, kể từ năm 1989, ngành công nghiệp tỉnh phát triển nhanh, có nhiều nhà máy quy mô lớn, công nghệ thiết bị hiện đại, sản phẩm đa dạng, mẫu mã phong phú, chất lượng, thuận tiện trong sử dụng, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước và nước ngoài. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 23.693 tỷ đồng (giá so sánh 1994),  gấp 81 lần so với năm 1989 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1990 - 2015 trên 18%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP tỉnh.

Ngành thương mại, năm 1986 chủ yếu là cơ sở thương mại quốc doanh và hợp tác xã, thương mại cá thể còn hạn chế, cung hàng hóa không đáp ứng cầu, tổng mức bán lẻ theo giá hiện hành chỉ khoảng 1,6 tỷ đồng. Đến năm 2015, hàng hóa dồi dào, cán cân cung cầu đảm bảo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mức 37.804 tỷ đồng, tăng 24 ngàn lần so với năm 1986. Năm 1989 Quảng Ngãi bắt đầu xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch gần 4 triệu RUB-USD với các mặt hàng thô như trầm kỳ, quế, hải sản, ớt và sắt phế liệu. Đến năm 2015, hoạt động xuất khẩu của tỉnh phát triển, có nhiều mặt hàng xuất, phần lớn đã qua chế biến và có giá trị gia tăng cao như máy móc cơ khí thiết bị nặng, dầu FO, tinh bột mì, thủy sản chế biến, đồ gỗ, dệt may... Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 383,6 triệu USD, gấp 95 lần so với năm 1989 và đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1990 - 2015 là 19,2%/năm...

Đến nay, ngành công thương Quảng Ngãi đã có bước phát triển nhảy vọt và tăng trưởng bền vững. Nếu như trong thập niên  90 công nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20% trong cơ cấu GDP của tỉnh; năm 2005 chiếm khoảng 30%, thì đến năm 2015 là 57%. Ngành công thương đã vươn lên giữ vai trò chủ đạo, đang cung cấp các sản phẩm thiết yếu phục vụ phát triển nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Hoạt động thương mại và dịch vụ không ngừng được phát triển, mạng lưới phân phối ngày càng được mở rộng tới nhiều địa bàn (kể cả vùng sâu, vùng xa), nhiều mô hình phân phối văn minh, hiện đại được triển khai phục vụ người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng luôn được quan tâm thực hiện. Về hội nhập kinh tế quốc tế ngành công thương đã chủ động tham mưu nghiên cứu, đề xuất với Tỉnh ủy, ủy ban các định hướng, chính sách và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Nhiều doanh nghiệp đạt danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu. Nhiều mặt hàng công nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao...

Phát huy thành tựu 65 năm và truyền thống vẻ vang của ngành, cán bộ, nhân viên ngành công thương Quảng Ngãi quyết tâm hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước với  hiệu quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng như Kế hoạch ngành công thương giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu"Vì sự nghiệp phát triển ngành công thương Quảng Ngãi".
 

TRƯƠNG QUANG DŨNG


 


.