Dũng sĩ diệt Mỹ: Ngày ấy - bây giờ

08:05, 01/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong kháng chiến chống Mỹ, tại căn cứ cách mạng Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), cái tên Nguyễn Ngọc Duy khiến địch bạt vía, kinh hồn. Trở về thời bình, ông lại dốc sức vào thửa ruộng, mảnh vườn, hăng say lao động để tiếp tục là “chiến sĩ giỏi” trên mặt trận chống đói, nghèo...

Anh dũng thời chiến

Anh Nguyễn Ngọc Duy sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Nghĩa Kỳ (mẹ là Mẹ VNAH, cha cùng hai anh trai và một chị gái đều tham gia cách mạng và hy sinh). Năm 1964, khi tròn tuổi đôi mươi, Nguyễn Ngọc Duy tham gia kháng chiến và trở thành chiến sĩ công binh. Hồi tưởng lại quãng thời gian 11 năm đánh giặc với những trận đánh hào hùng nhất, vẫn chất giọng hùng hồn của người xã đội trưởng năm ấy, ông Duy kể, mùa xuân năm 1970, một tiểu đoàn lính Mỹ với hàng chục xe tăng, xe ủi tiến vào càn quét thôn Xuân Phổ. “Sử dụng mưu trí để đánh địch là phương châm của chúng tôi lúc bấy giờ. Những căn hầm, lô cốt bí mật được dựng lên và cắm chông, những con bù nhìn dụ địch sập lô cốt... đã tiêu diệt được trên hai mươi chiếc xe tăng, xe ủi sau 15 ngày chiến đấu”.

Người nông dân Nguyễn Ngọc Duy bình dị của ngày hôm nay.
Người nông dân Nguyễn Ngọc Duy bình dị của ngày hôm nay.


Sau trận đánh làm cho Mỹ phải “nhớ đời” này, 6 đồng chí du kích đều được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Riêng ông Duy còn được lãnh đạo tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng”. “Cả tổ lúc ấy đều vui sướng, phấn chấn và càng thêm quyết tâm lập công tiêu diệt địch”, ông Duy hồi tưởng.

Đối với ông Duy, kỷ niệm không thể quên của ông là trận đánh “không cân sức” diễn ra gần một năm sau đó, khi Mỹ cử 1 liên đội bảo an bao gồm 5 đại đội, 2 đại đội tác chiến Mỹ và 1 đại đội công binh cùng 36 xe tăng, xe ủi các loại càn vào Xuân Phổ. Tất cả nhân dân và phần lớn du kích được lệnh lui vào căn cứ, ông Duy trực tiếp chỉ huy 1 tiểu đội còn lại tiến hành gài mìn dày đặc đoạn đường hơn 2km, nhử xe tăng, xe ủi của địch vào. “Sau 4 ngày anh em chúng tôi kiên trì phục kích, hàng chục xe ủi và hơn một trăm tên lính Mỹ - ngụy bị tiêu diệt. Địch chỉ còn biết khiếp vía mà tháo chạy”, ông Duy nhớ lại. Sau trận đánh này ông được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ".

Nghị lực thời bình

Trong những tháng ngày tham gia cách mạng, tình đồng chí đã vun vén cho tình yêu của ông Duy và cô du kích xinh đẹp Đoàn Thị Chương. Thế nên trở về thời bình, ông Duy lại gánh trên vai trách nhiệm của người trụ cột gia đình, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chống giặc đói và giặc dốt. “Làm gì đi nữa, phải cho các con học hành thành tài. Đó chính là động lực để tôi phấn đấu trong lao động”, ông Duy chia sẻ.

Vậy là ngày ngày, vượt qua nỗi đau thể xác từ những vết thương chiến tranh để lại, ông và vợ miệt mài dãi dầu sương nắng với 10 sào ruộng. Để đảm bảo cho các con đủ cái ăn, cái mặc, đủ cái chữ để thành người có ích, ông cố gắng làm gấp đôi, gấp ba lần người khác. Hết trồng lúa rồi lại tỉa bắp, trồng mì... không lúc nào vợ chồng ông ngơi tay. Không chỉ thế, trở về từ đồng ruộng, trong khi vợ ông chăm lo cho đàn heo sinh sản thì ông lại tiếp tục vỗ béo cho đàn bò. Chỉ với 4 con heo nái ban đầu, nhờ vợ chồng ông “mát” tay chăm sóc, đàn heo nhà ông lúc nào cũng có trên dưới 40 con heo thịt khỏe mạnh, còn đàn bò thì luôn được thương lái hỏi mua với giá cao.

Sau mấy chục năm lao động miệt mài, giờ đây khi đã bước qua cái tuổi “thất thập”, di chứng của chiến tranh khiến cho cánh tay trái của ông đang dần bị teo lại. Thế nhưng, hằng ngày ông vẫn cặm cụi với thửa ruộng, mảnh vườn. Vì với ông, “còn sức là còn làm”.

Như thấu hiểu được nỗi vất vả của cha và để xứng đáng với những gì mà cha mình đã làm, các con của ông luôn cố gắng nỗ lực học tập. Để giờ đây, khi ngồi trong ngôi nhà khang trang, nhắc đến những đứa con của mình, ánh mắt ông Duy lại ánh lên vẻ tự hào: “Có 5 đứa con thì 4 đứa học đại học, 1 đứa học cao đẳng. Chúng đều có việc làm ổn định. Tôi chỉ mong có vậy”, ông Duy nói.


Bài, ảnh: THU HIỀN



 


.