Đổi thay ở Sơn Tinh

11:05, 20/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Xã Sơn Tinh (Sơn Tây) có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cũng không dưới 90%, giao thông cách trở. Thế nhưng, bằng nỗ lực của người dân và lãnh đạo địa phương, chỉ sau 5 năm bộ mặt xã Sơn Tinh đã thay đổi đến bất ngờ.

“Phố nhỏ” giữa đại ngàn

Cách đây 5 năm về trước, để vào đến trung tâm xã Sơn Tinh từ Tỉnh lộ 623B, con đường độc đạo ĐH 83 nối Sơn Tinh với bên ngoài chỉ là đường đất nhỏ hẹp chạy cắt ngang những cánh rừng già với nhiều đèo, dốc cao. Trung tâm xã cũng chỉ lèo tèo vài căn nhà của người dân dưới xuôi lên ở buôn bán, trụ sở xã cũng rất xập xệ. Đường giao thông quanh xã toàn là đường mòn. Thu nhập của người dân rất thấp, chủ yếu là vào số ít lúa nước, lúa rẫy và cây mì. Khó khăn ấy tưởng chừng sẽ rất lâu Sơn Tinh mới vươn lên được...

Tuyến đường Sơn Tinh-Sơn Thượng được đầu tư mới đã giúp giao thương phát triển, giá nông sản tăng cao.
Tuyến đường Sơn Tinh-Sơn Thượng được đầu tư mới đã giúp giao thương phát triển, giá nông sản tăng cao.

Vậy mà, chỉ sau 5 năm, diện mạo xã Sơn Tinh đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết hệ thống giao thông chính của xã đã được mở rộng và bê tông kiên cố. Trong đó, tuyến đường Sơn Thượng - Sơn Tinh được đầu tư làm mới, mở rộng, cầu Nước Kỉa là công trình quan trọng, xóa đi cảnh cách núi ngăn sông vào mùa mưa lũ.

Không chỉ có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mà nguồn lực từ sức dân cũng góp công lớn vào kết quả hiện tại của xã. Trong đó, nhiều cá nhân tự nguyện đóng góp đất đai để xây dựng trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng. Điển hình như ông Đinh Văn Viết, thôn Tà Kin hiến hơn 420m2 đất để xây nhà sinh hoạt cộng đồng.  Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn hỗ trợ giúp dân khai hoang diện tích lúa nước, đất trồng rừng ít nhất là 0,5ha/hộ để tạo sinh kế lâu dài, góp phần ổn định sản xuất, phát triển kinh tế nông hộ.

Để có được thành quả đó, theo bà Trần Thị Tuyết Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh, là nhờ người dân đã tự thay đổi nhận thức trong cung cách làm ăn và UBND xã đã linh hoạt khi lồng ghép các Chương trình 135, 30a... để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng. Điện được dẫn về tận thôn xóm giúp đồng bào tiếp cận với công nghệ số, mở mang hiểu biết. Trường học được xây dựng khang trang. Đặc biệt, Trạm y tế xã được đầu tư mới và trang bị nhiều máy móc hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Cần nhiều nguồn lực đầu tư

Mặc dù những kết quả đạt được là rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Tuyết Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh, để đến năm 2020 về cơ bản Sơn Tinh trở thành xã nông thôn mới, thì cần lắm các nguồn lực đầu tư lớn và hiệu quả. Hiện Sơn Tinh đã đạt 6/19 tiêu chí xã nông thôn mới, đứng đầu huyện Sơn Tây. Theo bà Trinh, trong 19 tiêu chí thì tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập là rào cản lớn nhất. Hiện nay chuẩn nghèo mới đã được ban hành nên tỷ lệ hộ nghèo của xã đã tăng lên 55%. “Để trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện trong khoảng thời gian còn lại cần nguồn kinh phí đầu tư khoảng 24,3 tỷ đồng”, bà Trinh nói.

Ông Đinh Quang Ven - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, mặc dù điều kiện của Sơn Tinh khó khăn hơn nhiều so với một số xã khác trên địa bàn huyện. Nhưng những nỗ lực bền bỉ trong công tác xóa đói, giảm nghèo và các chính sách, nguồn vốn đầu tư từ trên triển khai xuống được lãnh đạo xã vận dụng một cách hiệu quả, nên đã mang lại cho Sơn Tinh nhiều đổi thay.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.