Cán bộ làm công tác xã hội cần được đào tạo nghề

02:05, 29/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-Nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng, nên rất cần những người làm nghề công tác xã hội (CTXH). Họ góp phần quan trọng trong việc mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những đối tượng cần sự bảo trợ xã hội (BTXH). Tuy nhiên, ở tỉnh ta người học nghề CTXH rất ít, nếu có thì chủ yếu chưa qua đào tạo.

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, hằng ngày các cán bộ, nữ hộ lý tận tình chăm sóc các cụ già, trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ. Chị Trần Thị Sáu, nữ hộ lý tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, theo nghề này đã 19 năm. Tuy chưa được đào tạo qua trường lớp nhưng trong quá trình vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chị đã “chinh phục” trái tim của các cụ già và trẻ em nơi đây, được các em thương yêu gọi là “mẹ”.

 Chị Trần Thị Sáu chăm sóc trẻ khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Chị Trần Thị Sáu chăm sóc trẻ khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Nói về nghề của mình, chị Sáu bộc bạch: "Không đơn thuần là một việc làm để kiếm sống, mà công việc này còn giúp tôi cảm nhận cuộc sống, biết yêu thương những mảnh đời bất hạnh". Tuy nhiên, theo chị Sáu, trong quá trình làm việc có những tình huống khiến chị lúng túng do chưa có kinh nghiệm. Bởi vậy, chị rất mong được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc các đối tượng BTXH để chăm sóc tốt hơn cho  những mảnh đời bất hạnh.
 

Thực hiện Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”, Sở Nội vụ đã phối hợp tổ chức lớp đại học đào tạo chuyên ngành CTXH (hệ vừa học, vừa làm) cho các cán bộ làm nghề CTXH. Ngoài ra, cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo do Trung ương  tổ chức; đồng thời mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn. Hiện nay tỉnh cũng đang xem xét chuẩn bị mở lớp đại học chính quy ngành CTXH cho gần 100 học viên.

Đối với những người phụ trách CTXH ở các xã, phường cũng không kém phần vất vả. Họ luôn xác định mình là người sẻ chia khó khăn với những phận đời bất hạnh, kết nối với các nhà hảo tâm để có sự hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng. Dù vậy, phần lớn cán bộ phụ trách CTXH ở các xã, phường đều kiêm nhiệm, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng cần thiết về CTXH. Do đó, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư chưa cao. Chị Trần Thị Thúy Liễu – cán bộ làm công tác trẻ em, bảo trợ xã hội ở xã Đức Phú (Mộ Đức) cho biết, chị từng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động, xử lý tình huống trong thực tế công việc, bởi chị chưa được đào tạo bài bản về nghề CTXH. Hầu hết những người làm CTXH tại các địa phương khác cũng gặp những khó khăn như chị Liễu.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có hai cơ sở BTXH công lập và một số cơ sở ngoài công lập. Tổng số đối tượng BTXH tại các cơ sở khoảng 1.000 người. Bên cạnh đó, ngoài xã hội còn có hàng nghìn người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em lang thang, hộ nghèo... và còn hàng nghìn gia đình nảy sinh các vấn đề xã hội, các đối tượng vướng vào các tệ nạn xã hội... cần được trợ giúp. Nhu cầu là vậy, nhưng số lượng người làm nghề CTXH trong tỉnh rất mỏng, đa số đều không được đào tạo qua trường lớp.

Bài, ảnh: XUÂN HIẾU

 


.