Bãi Ri anh hùng

10:05, 02/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bãi Ri (xã Ba Động) - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Ba Tơ, một vùng đất kiên cường, anh dũng, ghi dấu ấn trong cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ oanh liệt. Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng năm xưa - nay thuộc thôn Tân Long Thượng đang thay da, đổi thịt từng ngày.
 
Vùng đất anh hùng

 Hơn 86 năm trước, Bãi Ri là địa danh đi vào lịch sử Đảng bộ huyện Ba Tơ, ghi dấu sự ra đời chi bộ đầu tiên của huyện. Ngày ấy, trại cày Bãi Ri thuộc xã Ba Động là vùng đất nhỏ hẹp nhưng bằng phẳng, một bên là núi, một bên là dòng sông Liêng, đất đai màu mỡ. Ông Hà Đức Thanh (79 tuổi), ở thôn Tân Long Thượng, xã Ba Động hoạt động cách mạng và gắn bó gần cả cuộc đời với mảnh đất này nên được nghe và chứng kiến nhiều chiến công oanh liệt của những người cộng sản đầu tiên trên quê hương ông.

Nhà thờ đồng chí Trần Toại - Bí thư Chi bộ Bãi Ri (xã Ba Động, huyện Ba Tơ).                                                                                                                                            Ảnh: P.ĐỨC
Nhà thờ đồng chí Trần Toại - Bí thư Chi bộ Bãi Ri (xã Ba Động, huyện Ba Tơ). Ảnh: P.ĐỨC

Đưa chúng tôi về Bãi Ri trong buổi chiều nắng đẹp của những ngày tháng 4 lịch sử, cánh tay ông Thanh hết chỉ bên trái, rồi bên phải, nói: Bây giờ là ruộng mía, chứ ngày trước là lang, mì của dân và những người làm cách mạng giả trang nông dân. Gọi là trại cày Bãi Ri, vì ngày trước là nơi tập trung chăn nuôi bò hàng hóa và làm sức kéo. Thông qua đó, những người cộng sản bí mật liên lạc với nhau xây dựng cơ sở cách mạng.

 Cũng theo ông Thanh, khoảng đầu năm 1930, vài người địa phương cùng nhau mua đất do người Pháp cai quản tại vùng Ba Động  làm cơ sở buôn bán. Để tránh nghi ngờ của quân Pháp, họ đã xây dựng dinh Hiệp Cổ (phía sau lưng nhà thờ đồng chí Trần Toại) để làm nơi thờ thần và bàn việc làm ăn. Sau này, dinh Hiệp Cổ còn là nơi sinh hoạt bí mật của những người cộng sản và là nơi cất giấu vũ khí giành được từ quân Pháp.

Đầu năm 1930, dưới chính sách khủng bố, bóc lột của thực dân phong kiến khiến cho phong trào cách mạng cả nước chống lại chế độ thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn càng thêm sôi sục. Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, phong trào cách mạng trong nước đã vượt qua khủng hoảng về đường lối trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh chung của cả nước lúc bấy giờ, phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi bắt đầu có những chuyển biến mới.

Tháng 3.1930, tại Hội nghị Tân Hội (Đức Phổ), chi bộ cộng sản đầu tiên ở Quảng Ngãi được thành lập, bầu ra Tỉnh ủy lâm thời, do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư. Đồng chí Trần Hàm lúc này đang hoạt động xây dựng cơ sở, vận động lực lượng tại trại cày Bãi Ri được kết nạp vào chi bộ này. Cũng theo đề nghị của đồng chí Trần Hàm, một trong những đảng viên đầu tiên của tỉnh, tháng 4.1930, chi bộ Bãi Ri được thành lập với tám đảng viên, đồng chí Trần Toại được bầu làm Bí thư. Đây là chi bộ đảng đầu tiên của huyện Ba Tơ.

Sự kiện chi bộ Bãi Ri được thành lập đã lan truyền đến những người tù yêu nước đang bị quản thúc ở căng an trí Ba Tơ. Với sự liên lạc bí mật, từ bên trong và bên ngoài, lực lượng cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa phát triển mạnh, rộng khắp và có tổ chức chặt chẽ, chờ thời cơ giành chính quyền từ tay thực dân Pháp và phong kiến. Từ đây, phong trào cách mạng ở Ba Tơ phát triển nhanh chóng, như một cánh én hứa hẹn mang cả mùa Xuân về. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi, chi bộ Bãi Ri đã phất lên ngọn cờ để người Kinh, người Thượng từ trong núi rừng âm u nhất tề nổi dậy làm nên cuộc khởi nghĩa “long trời lở đất”, vứt bỏ xiềng gông của thực dân đô hộ, phong kiến giành lấy tự do vào ngày 11.3.1945. Đó là cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi.

Đổi thay ở căn cứ

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, người dân Ba Tơ làm nên những kỳ tích lịch sử của một thời oanh liệt. Sau chiến tranh, thôn Tân Long Thượng là một vùng đất khô cằn với nhiều di chứng của chiến tranh tưởng chừng không bao giờ hết. Vậy mà hôm nay, thôn Tân Long Thượng nói riêng, xã Ba Động nói chung đã vươn mình trỗi dậy, cuộc sống người dân đổi thay từng ngày.

Ông Hà Đức Thanh (bìa phải) kể về nơi thành lập chi bộ đầu tiên ở Ba Tơ  tại vùng đất trại cày Bãi Ri. Ảnh: P.ĐỨC
Ông Hà Đức Thanh (bìa phải) kể về nơi thành lập chi bộ đầu tiên ở Ba Tơ tại vùng đất trại cày Bãi Ri. Ảnh: P.ĐỨC


Ông Thái Ngọc Sơn - Trưởng thôn Tân Long Thượng, nói chắc nịch: “Cuộc sống của người dân hôm nay đổi thay hàng trăm lần so với trước đây”. Minh chứng cho lời nói ấy, ông Sơn đưa chúng tôi đi thăm các gia đình làm ăn khấm khá. Đó là gia đình anh Lê Trung Bình (40 tuổi) được người dân cảm phục về nỗ lực gầy dựng cơ nghiệp. Bởi, ngày trước dù làm chăm chỉ, nhưng cuộc sống gia đình anh Bình vẫn khó khăn trăm bề. “Nhiều đêm ngủ, tôi tự nhủ phải tìm cách làm ăn mới có thể thoát nghèo được. Lúc này, nhiều nơi trồng cây keo cho hiệu quả kinh tế cao, tôi mạnh dạn mua giống về trồng, sau đó mở rộng diện tích và đến nay có gần 100ha. Nhờ vậy mà hiện giờ thu nhập của gia đình khá lên nhiều”, anh Bình kể trong niềm vui.  Không chỉ làm giàu cho gia đình, người dân ở đây còn giúp nhau phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, cho mượn vốn làm ăn... Hầu hết 93 hộ dân với trên 300 khẩu trong thôn đều đã thoát nghèo.
 

NGUYỄN TRIỀU


 


.