Vừa sống vừa run bên các kho thuốc bảo vệ thực vật

10:04, 26/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại các kho thuốc cũ nằm trong khu dân cư có nơi vượt mức cho phép lên đến 100 lần đã và đang đe dọa sức khỏe của hàng ngàn hộ dân.

TIN LIÊN QUAN

Sống chung với thuốc độc

Kho thuốc BVTV Hòa Vinh, ở xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi) ngưng hoạt động từ năm 1985, nhưng bước vào khu vực nhà kho, mùi hôi hóa chất vẫn bốc lên nồng nặc khiến chúng tôi phải nhanh chân tháo chạy ra ngoài. 
 
Do bị bỏ hoang hơn 30 năm nên nền, tường kho phần lớn bị nứt toát, mái lợp bị hư hại, mục nát, gió bão làm tốc mái. Mỗi khi gió nồm, trời đang nắng mà đổ mưa, thì mùi hôi từ kho thuốc theo gió bay ra nồng nặc, người dân xung quanh vừa ăn cơm vừa bịt mũi.
 
Ông Lý Duy Vũ, nhà ở cạnh kho thuốc lo ngại: “Mỗi lần có gió nồm, chúng tôi phải đóng kín cửa ở ẩn trong nhà. Ngày nào cũng hít thuốc độc thế này, không bệnh mới lạ, xung quanh đã có mấy chết vì ung thư. Làm sao xử lý nhanh, mình lo tương lai tụi nhỏ”.
 
Kho thuốc BVTV Dốc Trạm, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) cũng bị bỏ hoang từ năm 1990 và đang xuống cấp nghiêm trọng, mọi người không ai dám đến gần. Mấy chục năm qua, người dân sống quanh khu vực này phải sống chung với mùi hôi bốc ra từ kho thuốc và canh cánh nỗi lo thuốc ngấm vào mạch nước ngầm.
 
 
Kho thuốc Hòa Vinh bi bỏ hoang từ năm 1985 đến nay.
Kho thuốc Hòa Vinh bỏ hoang từ năm 1985 đến nay.
 
“Từ trước đến nay, bà con chúng tôi dùng nước giếng để sinh hoạt. Không biết chất độc hại có ngấm vào nguồn nước hay không mà nhiều người đã chết vì ung thư gan. Sống mà nơm nớp lo sợ”- bà Nguyễn Thị Thinh, nhà ở sát Trạm BVTV Dốc Trạm lo lắng.
 
Vào thời điểm đó, do sự hiểu biết về thuốc BVTV còn hạn chế, chỉ coi trọng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, chưa hiểu biết về mặt trái của nó với sức khỏe con người và môi trường, nên công tác quản lý còn lỏng lẻo. 
 
Các loại thuốc nhập về được đựng trong phùng phuy lớn, không được đựng trong chai lọ hay bịch ni lông kín như bây giờ. Khi phát về cho xã viên, các đội sản xuất thì dựng can nhựa để chiết nên bị rơi vãi, đổ xuống nền đất tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và môi trường. Thời ấy, mọi người còn vô tư ăn uống ngay tại kho thuốc, tay vừa chiết thuốc lại bốc thức ăn.
 
Nan giải xử lý
 
Đến tháng 6.2015, toàn quốc có 1.562 điểm tồn lưu hóa chất BVTV trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố, trong đó Quảng Ngãi có 6 điểm là các kho thuốc Phổ Cường, Phổ Minh (Đức Phổ); Núi Voi và Quyết Thắng (Tư Nghĩa); Dốc Trạm (Sơn Tịnh); Hòa Vinh (TP. Quảng Ngãi).
 
Ông Nguyễn Vũ Luân- Chi nhánh Công ty Tư vấn và Công nghệ Miền Trung cho biết, tồn dư tại các kho thuốc này là các hóa chất loại cực độc như DDT, 666, Bassa…  Kết quả phân tích mẫu đất cho thấy mức độ vượt quy chuẩn cho phép có những nơi lên đến gần 100 lần. 
 
Ông Nguyễn Quốc Tân- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, năm 2016, với nguồn vốn 7 tỷ đồng từ Trung ương và tỉnh hỗ trợ, Sở sẽ chọn kho Hòa Vinh để thực hiện thí điểm xử lý, các kho còn lại phụ thuộc vào nguồn vốn từng năm và sẽ thực hiện đến năm 2020.

Đơn cử như DDT, đây là hóa chất khi bị phát thải vào khí quyển nó có khả năng di chuyển hàng ngàn dặm, có thành phần tương đối ổn định nên khó bị phân hủy trong môi trường tự nhiên, trong không khí phải sau 10 năm mới giảm nồng độ xuống tỷ lệ ban đầu 1/10.

DDT là hợp chất clo gây hậu quả rất độc đối với sinh vật khi thải ra môi trường, tồn tại lâu dài trong môi trường nước, không phân hủy sinh học và khả năng khếch đại sinh học cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. 
 
Theo ông Luân, với kinh nghiệm tại một số địa phương, nơi có mức độ tồn lưu hóa chất cao hơn Quảng Ngãi gấp nhiều lần như Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh thì phương án xử lý tại Quảng Ngãi nên chọn là phương pháp hóa sinh là phù hợp nhất và tiết kiệm được kinh phí. 
 
Với phương pháp này sẽ xử lý tại chỗ, không mang đất ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác, dùng các hợp chất khác chuyển hóa các chất BVTV sang các chất dễ phân hủy vi sinh, hoàn trả đất sạch về lại nơi bóc tách để tiến hành trồng cây. 
 
Nhận thức được mức độ nguy hại của các điểm tồn dư thuốc BVTV, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về kế hoạch xử lý triệt để và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước. Đến năm 2025, hoàn tất xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu.
 
Thuốc bị rơi vãi ngấm sâu vào nền đất làm ô nhiễm nguồn đất.
Thuốc bị rơi vãi ngấm sâu vào nền đất làm ô nhiễm nguồn đất có nơi vượt mức cho phép 100 lần.
 
 
Tác hại của các hóa chất tại các kho thuốc với sức khỏe, giống nòi và môi trường rất rõ, cơ chế, chính sách đã có nhưng việc thực thi lại rất phức tạp và tốn kém. Kinh phí để xử lý 6 kho thuốc tại Quảng Ngãi lên đến 100 tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp như hiện nay thì việc xử lý đồng loạt là điều không thể.
 
Việc xử lý tồn lưu hóa chất BVTV là việc làm cấp thiết, song các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh thuốc BVTV, cũng như kiểm soát và xử lý việc sử dụng, vứt vỏ bao bì thuốc BVTV bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, để hạn chế việc phát sinh các khu ô nhiễm hóa chất BVTV. 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.