Nhân rộng mô hình tự quản công trình nước sạch

10:04, 29/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt xuống cấp, hư hỏng hoặc không hoạt động sau một thời gian sử dụng do công tác quản lý, bảo dưỡng còn buông lỏng. Tuy nhiên, vẫn có một số công trình hoạt động hiệu quả nhờ áp dụng mô hình tự quản.

TIN LIÊN QUAN

Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, xã Sơn Linh (Sơn Hà) được đầu tư 6 công trình nước sinh hoạt, trong đó có công trình được đầu tư cách đây 10 năm, nhưng hầu hết đều phát huy hiệu quả. Có được kết quả này là nhờ năm 2012, xã Sơn Linh thành lập Ban quản lý công trình nước sinh hoạt cấp xã; tại thôn có công trình nước sinh hoạt thành lập các Tổ tự quản công trình nước sinh hoạt từ 1- 4 thành viên, tùy theo quy mô công trình.

Sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước sạch là nhu cầu chính đáng của người dân.
Sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước sạch là nhu cầu chính đáng của người dân.

Kinh phí hoạt động của các tổ do các hộ dùng nước đóng góp, với mức thu từ 5.000- 7.000 đồng/tháng. Số tiền này dùng để duy tu, bảo dưỡng công trình, mang lại lợi ích thiết thực nên người dân nhiệt tình hưởng ứng. Bà Đinh Thị Triêng- người dân thôn Gò Da, chia sẻ: Trước đây tôi đi lấy nước ở suối vất vả lắm. Giờ mỗi tháng góp có 5.000 đồng thôi nhưng có nước dùng sạch sẽ, thường xuyên bà con mừng lắm.
 

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 500 công trình nước sinh hoạt, với tổng kinh phí đầu tư hơn 338 tỷ đồng. Trong đó, khu vực 6 huyện miền núi 404 công trình nhưng có đến 130 công trình bị xuống cấp, hư hỏng và ngừng hoạt động. Việc để các công trình nước sinh hoạt nhanh chóng xuống cấp hư hỏng không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu nước sạch của người dân.

Mô hình này cũng được thực hiện ở xã Thanh An (Minh Long). Công trình cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.000 người dân thuộc 4 thôn Dưỡng Chơn – Phiên Chá – Gò Rộc – Thanh Mâu luôn đảm bảo nhu cầu 100 lít nước/người/ngày, được đầu tư năm 2015 từ nguồn vốn 30a, với kinh phí gần 4,5 tỷ đồng.

“Từ khi xây dựng công trình, xã họp dân thống nhất phương án thành lập Tổ tự quản, thu tiền nước định kỳ hằng tháng 700 đồng/khối, lắp đồng hồ nước... với mục đích phát huy tối đa lợi ích của công trình”, ông Đinh Ê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết. Khoản phí người dân đóng góp vào việc duy tu, bảo dưỡng công trình được công khai minh bạch và được người dân giám sát. Việc lắp đồng hồ nước cũng nhằm giúp người dân biết cách tiết kiệm nước, sử dụng nguồn nước đúng mục đích và phù hợp với nhu cầu, tránh lãng phí. Cách làm này được người dân đồng tình ủng hộ.

Chị Đinh Thị Chín ở thôn Phiên Chá, chia sẻ: “Trước đây người dân phải đào giếng mới có nước sử dụng, mùa nắng giếng cạn phải đi lấy nước suối cách nhà cả cây số. Nay có nước đến tận nhà rồi, không lo thiếu nước nữa, mình đóng tiền để bảo quản công trình là trách nhiệm thôi”.

Cũng theo ông Đinh Ê Hoàng, trên địa bàn xã còn có 4 công trình nước sạch nhưng do chưa có hình thức quản lý phù hợp nên không phát huy được hiệu quả. Trong thời gian tới xã sẽ nhân rộng mô hình này đến các công trình còn lại.


Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.