Cần quan tâm phòng cháy, chữa cháy ở cảng cá

03:04, 15/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây cháy, nổ tàu cá làm thiệt hại nặng nề về tài sản của ngư dân. Hệ lụy là vậy, song công tác phòng, chống cháy nổ tàu thuyền ở các cảng cá vẫn chưa được quan tâm đúng mức...

Tại cảng cá Sa Kỳ ở xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) vào những ngày cao điểm có từ 200-250 tàu thuyền về neo đậu. Trong đó, đa phần là tàu cá của ngư dân xã Tịnh Kỳ, Bình Châu, ngư dân đến từ tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa... Với hành trình đi biển kéo dài từ 10 - 20 ngày/chuyến, mỗi chiếc tàu được ví như một ngôi nhà thu nhỏ, với đầy đủ đồ dùng, vật dụng sinh hoạt. Thế nhưng việc bố trí đường dây điện, hệ thống ánh sáng, bếp và các phương tiện khác trên tàu rất sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao...

Tàu cá neo đậu san sát nhau ở cảng cá Sa Kỳ (Tịnh Kỳ).
Tàu cá neo đậu san sát nhau ở cảng cá Sa Kỳ (Tịnh Kỳ).
UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển, các sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp cấp bách về PCCC ở các khu neo trú tàu thuyền, các cảng cá. Các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát PCCC tỉnh, tuyên truyền, vận động ngư dân trang bị bình chữa cháy xách tay cho tàu, thuyền và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC tại các cảng cá, cảng neo đậu tàu thuyền...

Tàu cá QNg 91412TS của ông Nguyễn Phương, xã Tịnh Kỳ có công suất 200CV chuyên khai thác cá cơm, nhưng lại không có phương tiện chữa cháy. Hệ thống điện, thiết bị điện, khu vực hầm máy, khu vực chứa nhiên liệu bố trí khá gần nhau... nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Theo ông Phương, do tàu công suất nhỏ, hành nghề cá cơm nên trên tàu chỉ có 2 bình gas, dầu mang theo cũng ít nên không lo hỏa hoạn. “Khi hành nghề trên biển tuy không sợ cháy nổ, nhưng khi neo đậu ở cảng cá thì có lo thật, vì mình có cẩn thận thế nào đi nữa, nhưng tàu khác lơ là thì cũng sẽ dẫn đến hỏa hoạn. Ở đây, các tàu neo đậu sát nhau, nếu có hỏa hoạn thì hậu quả vô cùng lớn”, ông Phương lo lắng.

Còn tại cảng cá Tịnh Hòa, nơi có gần 200 chiếc tàu thuyền các loại neo đậu, nhưng hầu hết chủ tàu cá chưa có ý thức về việc phòng, chống cháy nổ. Ông Nguyễn Trung Châu, cán bộ Ban quản lý Cảng cá Tịnh Hòa lo ngại: Chúng tôi thường xuyên cảnh báo về nguy cơ cháy nổ, nhưng họ vẫn lơ là. Chúng tôi yêu cầu chủ tàu khi vào neo đậu rút bình gas ra, cúp hệ thống điện... nhưng vẫn có tàu không chấp hành, trong khi Ban quản lý không có bất kỳ một chế tài nào.

Được biết, Ban quản lý cảng cá cũng trang bị bình cứu hỏa, nhưng không dám để ở ngoài vì sợ mất trộm; bể nước, trụ bơm cứu hỏa có, nhưng thường xuyên không có nguồn nước. Là cảng cá, nhưng không hiểu vì sao khi xây dựng lại không thiết kế hệ thống bơm nước biển tại cảng... nên khi có sự cố xảy ra thì thiệt hại là rất lớn.

Với sự chủ quan của ngư dân nên khuya 28.1.2016, tại Cảng cá Tịnh Hòa đã xảy ra vụ cháy tàu cá QNg 91530TS của ông Võ Chí Thanh, sau đó cháy lan sang tàu cá QNg 91278TS của ông Võ Chí Tâm, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) làm thiệt hại nhiều tỷ đồng. Hay như rạng sáng 2.2.2016, trong lúc đang neo đậu tại cảng cá Sa Huỳnh, tàu cá QNg 98748TS của ông Nguyễn Lượm, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa nhanh chóng lan sang tàu cá QNg 98032TS cũng của ông Lượm và tàu QNg 98156TS của ông Võ Tân cùng xã đậu kế bên. Tổng thiệt hại ước tính hơn 5 tỷ đồng...

Theo đại tá Võ Đức Nguyện- Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, nguy cơ cháy nổ xảy ra trên tàu thuyền của ngư dân là rất lớn và thực tế cũng đã xảy ra. Trên tàu có rất nhiều vật dễ cháy, như bình gas, nhiên liệu dùng để chạy tàu. Nhiều tàu thuyền còn mang theo cả phân urê để ướp cá... đây là chất dễ cháy, nổ. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng dẫn đến cháy nổ. Để hạn chế cháy nổ trên tàu thuyền, Cảnh sát PCCC tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân, chủ tàu thuyền nâng cao cảnh giác, chấp hành các tiêu chuẩn an toàn trong phòng, chống cháy, nổ trên tàu của mình... Tuy nhiên, nhiều chủ tàu vẫn chưa chấp hành.

Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.