Tưởng niệm 48 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (16.3.1968 - 16.3.2016)
Đánh thức lương tri và khát vọng hòa bình

09:03, 16/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 48 năm trôi qua, nhưng nỗi đau của vụ thảm sát ở Sơn Mỹ vẫn còn đó. Những ai đã một lần đặt chân đến đây đều cảm thấy nhói lòng. Vì thế, tất cả đều khát vọng một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc luôn đến với mọi người...


Bàng hoàng, xúc động

Tháng 3 Sơn Mỹ, tiết trời vẫn se lạnh. Theo chân một đoàn du khách người Anh xem những hình ảnh, hiện vật tại nhà trưng bày Khu chứng tích Sơn Mỹ, chúng tôi không khỏi xúc động khi trên khóe mắt của họ đều rớm lệ, bàng hoàng, đặc biệt khi xem hình ảnh tái hiện lính Mỹ dí súng sát hại dân thường ở bờ kênh Khê Thuận. Một du khách ghi vào cuốn sổ lưu niệm: “Tôi nghĩ rằng, những gì tôi được xem hôm nay sẽ ám ảnh tôi mãi mãi... Nhưng có lẽ đây là bài học, một điều nhắc nhở đắng cay dành cho tất cả chúng ta, nhắc nhở rằng chúng ta là con người và vì vậy chúng ta không nên làm đau thương người khác. Cuộc sống rất đáng quý, chúng ta cùng giúp đỡ, chăm sóc lẫn nhau và cùng nhau chia sẻ hạnh phúc, tình yêu và sự hiểu biết”.  Còn Lisa ILey, du khách đến từ nước Úc,  thì bộc bạch: “Khả năng tha thứ của người Việt Nam thật sự là một bài học dành cho tôi. Câu chuyện về Sơn Mỹ đã khiến tôi thức tỉnh... Tôi đã từng cho rằng, tội lỗi của những người lính này là kết quả của cuộc chiến điên cuồng”.

Gác lại đau thương, người dân Sơn Mỹ đã chung tay xây dựng cuộc sống mới.                                                    Ảnh: MAI HẠ
Gác lại đau thương, người dân Sơn Mỹ đã chung tay xây dựng cuộc sống mới. Ảnh: MAI HẠ


Ông Nguyễn Thành Công – Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, cho biết: “Đa số du khách nước ngoài khi đến đây đều bàng hoàng, thảng thốt khi xem hình ảnh, hiện vật, có người không cầm được nước mắt". Ông Công cũng cho biết, trong lần đối thoại 3 giờ đồng hồ với người lính Mỹ trong vụ thảm sát kinh hoàng ngày 16.3.1968, người này đã rơi nước mắt và nhiều lần dùng lời "xin lỗi". Người lính ấy đã xin tha thứ và xin được một lần dự lễ tưởng niệm để nói lời xin lỗi đến người dân Sơn Mỹ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
 

Ngoài vụ thảm sát Sơn Mỹ, Tịnh Khê còn có 800 liệt sĩ; 150 Mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 550 thương, bệnh binh. Quân và dân Tịnh Khê đã anh dũng, kiên cường trong chiến tranh, được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Cuộc sống thanh bình

Sơn Mỹ hôm nay quả như lời chúc, lời cầu nguyện của muôn người gửi đến mảnh đất này. Nỗi đau chiến tranh dẫu chưa hẳn khép lại nhưng màu xanh của sự ấm no đã phủ kín trên cánh đồng. Con đường làng ngày trước nhuộm đỏ máu tươi nay đã được bê tông, rợp bóng dừa xanh. Bà Lê Thị Em ở xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung phấn khởi, nói: “Quá khứ đau thương thì không bao giờ quên, nhưng chúng ta không thể chìm mãi trong nỗi đau ấy. Người dân Sơn Mỹ hôm nay là thế”.

Nhiều du khách nước ngoài bàng hoàng trước những hình ảnh tái hiện vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Nhiều du khách nước ngoài bàng hoàng trước những hình ảnh tái hiện vụ thảm sát Sơn Mỹ.


Gác lại quá khứ, chung tay vun đắp cuộc sống mới nên vùng quê Sơn Mỹ hôm nay đã bừng sáng. Ông Trương Tất, con trai bà Em xúc động, nói: “Mình may mắn sống sót nên gắng sức làm ăn. Sau ngày giải phóng, hai vợ chồng đều được đi học và trở về quê hương dạy chữ, làm ruộng, chăn nuôi, tích góp nuôi con, làm nhà".

Ông Trương Thanh Thảo – Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi), cho biết: Đời sống của người dân hôm nay đã khá hơn nhiều. Xã đã đạt chuẩn văn hóa từ năm 2008. Từ ngày Tịnh Khê sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi đã có thêm điều kiện để phát triển, nhất là hạ tầng giao thông... Nhờ đó, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 9.2015. Trong thời gian đến, TP.Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông góp phần thay đổi diện mạo các khu dân cư ở Tịnh Khê. Đồng thời, kêu gọi đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, hình thành trung tâm thương mại dịch vụ, khai thác tiềm năng lợi thế của xã để phát triển, đặc biệt là du lịch.

 

Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.