Tự hào những người phụ nữ Hrê

09:03, 14/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 3 về, những người phụ nữ Hrê mang họ bác Phạm Văn Đồng ở huyện miền núi Ba Tơ càng nhớ và biết ơn bác Đồng kính yêu. Họ đã và đang tích cực lao động, sản xuất, chăm lo cuộc sống gia đình...

TIN LIÊN QUAN


Tự hào mang họ bác Đồng

 Nhà bà Phạm Thị Đáy, thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ), nằm dưới chân núi K’La. Những năm sau chiến tranh, bà có chồng rồi sinh con. Do chồng (ông Phạm Văn Néo) làm cán bộ bận rộn với công tác, nên bà thay chồng cáng đáng nhiều việc. Bà kể: Một nách ba con nhỏ, nhưng mình làm tất cả mọi việc từ bếp núc đến việc đồng áng”. Vụ mùa đến, bà đưa trâu ra đồng cày bừa, gieo sạ, rồi lên rẫy phát cây gieo hạt, trồng mì, khoai lang.

Nhờ làm kinh tế giỏi, chị Hương trở thành tấm gương điển hình của phụ nữ Hrê.
Nhờ làm kinh tế giỏi, chị Hương trở thành tấm gương điển hình của phụ nữ Hrê.


Ngày nối ngày, bà Đáy như con ong cần mẫn. Kết thúc vụ mùa bà Đáy lại dệt thổ cẩm để đan tu, áo, khăn quàng mặc ấm cho chồng, con. Mỗi đường dệt bà gửi trọn tình yêu thương của mình đối với chồng con. Bà Đáy bảo: “Cứ mỗi khi Tết về, hay ngày lễ, trước khi khoác cho con cái áo mới, hay khăn quàng, mí đều bảo các con nếu học giỏi, chăm ngoan lần sau mí sẽ cho những cái đẹp, cái tốt hơn...”. Từ những lời khích lệ, động viên đó, các con của bà cũng dần hiểu về ý nghĩa của việc học làm người.

Còn ông Néo nhờ có vợ chăm làm, con cái học hành chăm chỉ nên yên tâm công tác. Sau những ngày bận rộn, ông Néo về nhà kể tường tận cho các con nghe câu chuyện về đồng bào Hrê mang họ bác Đồng, về cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Bác. Dù tâm hồn còn non trẻ, nhưng các con ông vẫn biết đấy là niềm tự hào của dân tộc mình. Dẫu cách xa trường huyện gần chục kilômét, nhưng các con bà Đáy vẫn lần lượt vượt trường THPT rồi bước chân vào giảng đường đại học. “Bác Phạm Văn Đồng thương dân, tham gia làm cách mạng để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân”, bà Đáy xúc động nói. Bây giờ, dù đã nghỉ hưu nhưng ông Néo vẫn tham gia công tác ở Hội Khuyến học của huyện. Vợ chồng ông tâm niệm rằng, còn sức còn lao động, làm những việc có ích cho quê hương.

Đời sống được  cải thiện

Là thế hệ lớn lên sau chiến tranh, chị Phạm Thị Hương ở thôn Gòi Rét – Ma Nghít, xã Ba Cung (Ba Tơ) luôn nỗ lực làm kinh tế để xứng đáng là người con, người cháu mang họ bác Đồng. Chị Hương kể, quê chị ở đèo Lâm xã Ba Cung, khi có chồng về nơi thung lũng này sinh sống. Cuộc sống của bà con ở đây vô cùng khó khăn, đất đồi bỏ hoang, đồng ruộng canh tác kém hiệu quả. Thấy thế chị Hương bàn với chồng tận dụng đồng ruộng, con sông Ren để nuôi vịt. Lứa đầu tiên chị thả nuôi 500 con và nấu rượu nuôi heo, nên cũng tích lũy được số vốn kha khá. Lúc này cây keo có giá, chị Hương đầu tư mua cây giống và phát cây dại lấy đất trồng keo.

Theo thời gian, cây keo phủ xanh cả khoảnh đồi. Từ tiền thu hoạch keo, chị lại đầu tư mua máy xay xát gạo, máy cày, sắm xe chở keo... Từ đó, kinh tế gia đình chị ngày một khấm khá, gia đình chị còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương mỗi khi mùa vụ đến. Năm 2013, chị vinh dự được đi báo cáo điển hình ở Trung ương.

Bà Nguyễn Thị Hòa – Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Tơ, cho biết: Đồng bào Hrê Ba Tơ luôn tự hào được mang họ bác Đồng. Câu chuyện ấy bây giờ chị em nào cũng biết. Bởi cứ mỗi dịp 8.3 hay ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, các cấp Hội tổ chức tọa đàm đều lồng ghép ý nghĩa của việc mang họ Phạm. Từ đó, chị em giáo dục con cái, ra sức phấn đấu làm ăn. Hằng năm, Hội đều tuyên dương những gương điển hình để các chị em chưa đạt được, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống... Vì thế, đời sống của các hội viên ngày càng được cải thiện, có điều kiện lo cho các con ăn học.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.