Hạnh phúc là được sẻ chia…

09:03, 14/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Với nhiều người, bữa ăn đúng nghĩa phải có cá, thịt, cơm, canh, nhưng với những lao động nghèo, đôi lúc chỉ là chiếc bánh mì nuốt vội cùng cốc nước lọc cũng trở thành bữa ăn no đầy, ý nghĩa. Nhất là khi, những bữa ăn ấy được sẻ chia từ thùng bánh mỳ miễn phí của người có tấm lòng thiện nguyện.
Dừng chân trước thùng bánh mỳ từ thiện tại địa chỉ 300-302 Phan Đình Phùng, TP. Quảng Ngãi, bà Trần Thị Thuận quê ở xã Nghĩa Phương, Tư Nghĩa đang làm nghề bán vé số dạo, rụt rè rút một ổ bánh mỳ. “Nghe mấy chị em nói ở đây có thùng bánh miễn phí nên tui qua xin 1 ổ để dành làm bữa trưa”- Vừa nói, người phụ nữ hơn 50 tuổi lại tất tả đạp xe đi. Bởi theo lời bà nói, từ sáng đến giờ, bà mới bán được 3 tờ vé số, nên phải tranh thủ vừa ăn, vừa đi bán để đủ tiền chợ cho ngày mai.
 
Gia đình khó khăn, bà Thuận dù ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi an hưởng, lại ngày ngày vất vả ngược xuôi khắp nẻo để mưu sinh. Bữa trưa với bà, nếu may mắn thì đến kịp lúc quán cơm nụ cười Sông Trà với 2.000 đồng/suất còn mở cửa, còn không thì nuốt vội ổ bánh mỳ 2.000 đồng. Vì vậy, khi hay tin có thùng bánh mỳ miễn phí, bà Thuận nửa tin nửa ngờ đến xem. Trước lúc đạp xe đi, bà Thuận còn mừng vui chia sẻ: “Vậy là từ mai tôi tiết kiệm thêm khoảng tiền ăn để dành lo việc nhà rồi!”.

 

Thùng bánh mỳ miễn phí mỗi ngày phát ra 120-150 chiếc cho nhiều lao động nghèo
Thùng bánh mỳ miễn phí mỗi ngày phát ra 120-150 chiếc cho nhiều lao động nghèo.
 
Câu nói tuy ngắn, nhưng người nghe như thấu được những gánh nặng mà người lao động nghèo đang phải chịu. Tuy chỉ là 2 nghìn đồng/bữa trưa, nhiều người cho rằng, đó chỉ là tiền lẻ, còn với những người đang phải bươn chải mưu sinh như bà Thuận, là một bữa ăn no bụng. Chính vì hiểu được điều này, nên anh Nguyễn Quốc Dũng (32 tuổi) mới lập nên thùng bánh mỳ từ thiện ở TP. Quảng Ngãi.
 
“Thùng bánh mỳ từ thiện xuất hiện ở các TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đã giúp cho nhiều lao động nghèo ở nơi đó. Còn ở quê mình- miền Trung đầy nắng gió, năm nào cũng hứng chịu mưa bão, nơi có rất nhiều lao động nghèo lại càng cần những thùng bánh mỳ như thế”- tấm lòng thiện nguyện của anh Dũng khi được bày tỏ, đã được rất nhiều mạnh thường quân giúp anh, đưa thùng bánh mỳ từ thiện đi vào hoạt động từ ngày 9.3.
 
Tuy chỉ qua vài ngày hoạt động, nhưng thùng bánh mỳ từ thiện đã trở thành địa chỉ quen thuộc phát những bữa ăn sáng, trưa cho nhiều lao động nghèo là các bà, các chị bán vé số dạo hay buôn ve chai, đồng nát… Việc tốt lan xa, quy định mỗi ngày thùng bánh mỳ sẽ phát ra 100 chiếc, thế nhưng, ngày nào, anh Dũng cũng đưa ra thêm từ 20-50 cái. Bởi, “đã là từ thiện thì người nghèo đến lúc nào cũng phải có, chẳng lẽ hết 100 chiếc mình lại đẩy thùng vào, những người đến sau lại không có phần, thấy kỳ lắm”- anh Dũng bộc bạch.

 

Với nhiều người, chiếc bánh mỳ 2nghìn đồng chẳng là gì. Nhưng với nhiều lao động nghèo, đó là một bữa ăn no đầy, ý nghĩa
Với nhiều người, chiếc bánh mỳ 2nghìn đồng chẳng là gì. Nhưng với nhiều lao động nghèo, đó là một món quà ý nghĩa.
 
Với anh, giúp đỡ người khác phải có cơ duyên. Anh chia sẻ: “Vì tôi có duyên nên mới có cơ hội giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn mình. Chứng kiến thùng bánh mỳ ngày qua ngày chia sẻ những bữa ăn đầy ý nghĩa cho nhiều người lao động nghèo tôi thực sự thấy hạnh phúc”. Vì vậy, với sức một mình anh thì sẽ trụ không nổi, nên ngày ngày, anh Dũng vẫn kêu gọi nhiều nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tiếp tục hỗ trợ duy trì thùng bánh mỳ từ thiện.
 
“Trước khi cho thùng bánh mỳ đi vào hoạt động, tôi đã kêu gọi nhiều bạn bè, người thân và những người có tấm lòng đóng góp. Để dự trù kinh phí cho 2 tháng hoạt động đầu tiên, tôi đã vận động được 16 triệu đồng. Tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì trong những tháng tiếp theo”- anh Dũng tiếp lời. Để thùng bánh mỳ từ thiện- hình ảnh tượng trưng cho sự sẻ chia của những tấm lòng đối với lao động nghèo được duy trì lâu dài, thì cần nhiều hơn nữa những mạnh thường quân góp sức.
 
Giữa cuộc sống còn lắm xô bồ, nhiều người phải lăn lộn để kiếm ăn từng bữa. Thì hình ảnh thùng bánh mỳ miễn phí “mỗi người một ổ” trên con phố đông đúc, giống như điểm tựa yên bình cho nhiều mảnh đời khốn khó. Ở đó, mỗi chiếc bánh mỳ là một sự sẻ chia. Người nhận, đón lấy niềm an vui. Người trao, nhân đôi niềm hạnh phúc.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 
 

 


.