Dấu ấn những công trình

09:03, 17/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã để lại một dấu ấn quan trọng trên quê hương núi Ấn, sông Trà, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Động lực cho vùng cao

Từ năm 2006 Quảng Ngãi nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn TPCP, hàng loạt công trình, dự án được triển khai thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo động lực cho sự phát triển đối với các xã vùng cao của tỉnh. Tại huyện vùng cao Tây Trà, đời sống sản xuất còn nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại. Trước năm 2006, hầu hết các tuyến đường dẫn vào trung tâm các xã ở đây chủ yếu là đường đất, dốc đá, dù muốn xóa đi khó khăn cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng tỉnh không đủ kinh phí để thực hiện. Những lo toan của tỉnh đã được giải tỏa khi năm 2006, từ nguồn vốn TPCP cấp về, tỉnh đã triển khai đầu tư hàng loạt tuyến đường như: Trà Phong-Trà Xinh, Eo Chim-Trà Nham, Trà Thọ-Trà Lãnh, Trà Phong-Trà Thanh... với nguồn vốn lên đến hơn 121 tỷ đồng. Chỉ sau thời gian ngắn, những con đường, cây cầu xẻ núi, vượt sông đã kéo các xã nơi rẻo cao về gần hơn với trung tâm huyện lỵ Tây Trà.

Nguồn vốn TPCP được bố trí đầu tư nhiều công trình, dự án góp phần quan trọng vào kết quả phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm qua. Trong ảnh: Tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê.
Nguồn vốn TPCP được bố trí đầu tư nhiều công trình, dự án góp phần quan trọng vào kết quả phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm qua. Trong ảnh: Tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê.


Từng công tác ở xã vùng cao Trà Xinh với cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, anh Lê Minh Vương (nay là Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tây Trà) bảo, ngày nhận công tác về xã, anh không nghĩ chuyện đi lại khó khăn đến mức phải đi bộ do đường hư hỏng, lầy lội. Hàng hóa nông sản của người dân làm ra bán giá rẻ như cho. “Bây giờ các tuyến đường được nhựa hóa kiên cố, giao thông đi lại thuận tiện nên hàng hóa của người dân bán ra cao gấp nhiều lần. Cuộc sống thay đổi rõ rệt. Những con đường được làm từ nguồn vốn TPCP và vốn đối ứng của địa phương đang làm thay đổi diện mạo nơi đây”, anh Vương tâm sự.

Không chỉ đầu tư vào hạ tầng giao thông mà dòng tiền từ nguồn vốn TPCP còn đầu tư vào sự nghiệp giáo dục, vào các công trình thủy lợi. Với tổng vốn đầu tư lên đến gần 570 tỷ đồng để mang nước từ các dòng suối, con sông về các cánh đồng ruộng bậc thang, những công trình thủy lợi như Suối Loa (Ba Tơ), Vực Thành (Trà Bồng), Cây Quen (Nghĩa Hành)... đã mang lại màu xanh tươi tốt cho những ruộng lúa, đồng ngô.

Tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Không chỉ có những con đường, mái trường kiến cố được xây dựng, mà từ nguồn vốn TPCP, nhiều công trình lớn hơn cũng được đầu tư và đang trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Điển hình như từ khoản kinh phí đầu tư hơn 391 tỷ đồng, công trình các Hợp phần hồ chứa nước Nước Trong trên địa bàn hai huyện Sơn Hà và Tây Trà đang phát huy hiệu quả một cách rõ rệt. Trong đó, dấu ấn đậm nét nhất của nguồn vốn đầu tư vào công trình là tuyến đường Di Lăng-Trà Trung. Với tổng vốn đầu tư gần 144 tỷ đồng (thi công năm 2006, hoàn thành năm 2011), con đường đã kết nối hai huyện vùng cao Tây Trà-Sơn Hà, tạo ra trục giao thông xuyên suốt, tạo động lực thúc đẩy giao thương và phát triển nơi rẻo cao Cà Đam.

Bên cạnh làm đường thì công tác di dân, tái định cư của dự án cũng đã mang lại cho các xã vùng cao một sự thay đổi rõ rệt. Những xóm làng nằm rải rác quanh dòng sông Tang đã được đưa vào các khu tái định cư, được cấp nước sinh hoạt và tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ về giáo dục, y tế... “Các công trình, dự án sử dụng vốn TPCP là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đối với các thôn, xã trên địa bàn huyện, mà về lâu dài nó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các địa phương đồng bằng khi nguồn nước được đưa về để tưới các cánh đồng, phục vụ sinh hoạt và phát triển cho KKT Dung Quất”, ông Đặng Ngọc Dũng - Bí thư Huyện ủy Sơn Hà chia sẻ.

Không chỉ ở miền núi, các công trình đầu tư từ nguồn vốn TPCP ở các huyện đồng bằng, đô thị cũng đang phát huy tác dụng. Trong đó, với bốn dự án giao thông được đầu tư từ năm 2006 đến nay gồm: Quốc lộ 24 (Km0-Km8), Quốc lộ 24C, đường Võ Văn Kiệt, Mỹ Trà-Mỹ Khê và một phần Quốc lộ 1, đã mang lại cho hạ tầng giao thông tỉnh nhà diện mạo mới. Đáng chú ý là tuyến đường Mỹ Trà-Mỹ Khê đang là sợi dây kéo đô thị Quảng Ngãi tiến gần hơn về phía biển, đánh thức các xóm chài nghèo khó bên dòng sông Trà bừng sáng.

Đánh giá về các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bà Trần Thị Mỹ Ái - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, các dự án đã và đang triển khai thi công có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết được những khó khăn về nguồn vốn đầu tư của tỉnh trong những năm qua. “Các dự án đã để lại một dấu ấn lớn là động lực vô cùng quan trọng trong các mục tiêu, kế hoạch phát triển của tỉnh. Hy vọng thời gian đến Trung ương tiếp tục bố trí thêm vốn để tỉnh triển khai xây dựng nhiều dự án quan trọng khác. Đặc biệt là kiến nghị của tỉnh với Trung ương về số tiền 8.500 tỷ đồng để triển khai thi công 5 dự án lớn mà tỉnh đã đề ra”, bà Ái nói.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.