Chuyện những người thợ xây

05:03, 21/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Họ thức dậy trước 4 giờ sáng ra đồng tưới rau, chăm bón và thu hoạch để vợ con mang ra chợ bán. Khi mặt trời vừa lên trên dòng sông Trà họ vội vã về nhà lo cơm nước rồi chạy xe máy đến công trình xây dựng làm việc. Chiều về lại tất tả ra đồng ruộng làm việc đến 8-9 giờ đêm mới nghỉ. Đó là “nhật ký” làm việc một ngày bình thường của những người thợ xây dựng ở xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi).

Cả làng làm xây dựng

Tôi về Tịnh Long vào một ngày giữa tháng Ba, hiện ra trước mắt tôi là những đồng rau xanh mơn mởn, thấp thoáng bóng những người phụ nữ đang chăm bón, còn hầu hết đàn ông ở đây ban ngày đều đi làm thợ xây dựng, đến tối mịt mới về. Chị Huỳnh Thị Nguyện, vợ thợ xây Đỗ Đình Trung, bảo: “Xóm làng ở đây tựa như các làng chài ven biển vậy! Ban ngày không có đàn ông, bởi họ đi làm công trình xây dựng hết. Chỉ những ngày cao điểm mùa gặt mới có được dăm ba người ở nhà lo việc đồng áng”.

Những thợ xây dựng của đội thợ hồ anh Đỗ Đình Trung luôn cần mẫn với công việc.
Những thợ xây dựng của đội thợ hồ anh Đỗ Đình Trung luôn cần mẫn với công việc.


Trò chuyện với tôi, anh Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho hay, ở xã Tịnh Long có đến hơn chục đội thợ xây dựng, với khoảng 400-500 lao động phổ thông làm nghề này, chiếm khoảng 50% lực lượng lao động địa phương. Các “ông chủ” thầu ấy đứng ra nhận công trình rồi gọi thợ ở địa phương cùng với bản thân tham gia làm. Có thể kể đến như đội thợ của ông Nhung, ông Tấn mỗi đội có từ 40- 50 "quân"; đội thợ ông Nhựt có 30 "quân", đội thợ ông Lợi có 100 "quân"... Đặc biệt, có một cá nhân đã thành lập Công ty TNHH MTV Sung Tích là anh Đặng Thanh Dung, với trên 100 lao động phổ thông làm nghề xây dựng.

“Sáng cầm bay, chiều tay liềm”

Điều đặc biệt của những người thợ xây dựng ở Tịnh Long là “thời gian biểu” làm việc hầu như không ngơi nghỉ, được họ sắp xếp một cách hợp lý, đan xen giữa nghề nông và nghề xây dựng. Anh Đỗ Đình Trung, trò chuyện với tôi trong một ngày nghỉ hiếm hoi để lo việc nhà, bảo: Công việc của chúng tôi là “sáng cầm bay, chiều tay liềm”. Bốn giờ sáng đã thức dậy là mang dụng cụ ra đồng làm việc, hái rau, làm cỏ. Có hôm 2 giờ sáng đã thức dậy “thồ” rau hàng chục cây số đến chợ cho vợ bán. Đến trước 7 giờ về ăn sáng vội rồi lên xe máy chạy đến công trình xây dựng làm việc tới gần 12 giờ mới ăn trưa. Sau khi nghỉ ngơi chừng 15 phút lại tiếp tục vào ca đến 17 giờ chiều. Tiếp đó lại tranh thủ về nhà ra đồng cắt cỏ cho bò, làm đất, bón phân, tưới nước cho rau, cho lúa. Thời gian làm việc cứ xoay vòng như vậy hết ngày này sang ngày khác.

 Nỗ lực làm xây dựng và canh tác hai sào đất trồng rau ăn lá, hai sào bắp, một sào lúa và nuôi 2 con bò, bình quân mỗi tháng gia đình anh Trung thu về trên 13 triệu đồng. Nhờ đó đã nuôi con cái ăn học bài bản, con đầu của anh hiện đang học năm nhất Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, đứa thứ hai đang học lớp 10.

 Không chỉ anh Đỗ Đình Trung mà hầu hết những thợ xây dựng ở Tịnh Long đều gắng sức và có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Nhiều gia đình cả vợ chồng đều làm xây dựng, chồng làm thợ, vợ phụ hồ. Có nhiều trường hợp sinh viên ra trường không xin được việc làm cũng quay về quê đi làm thợ xây dựng, sau 4-5 năm trở thành những thợ cả lành nghề. Với họ, chuyện nhậu nhẹt vào buổi chiều sau khi rời cái bay thợ hồ hầu như rất hiếm. Có lẽ đó cũng là điều khác biệt của những người thợ xây dựng ở xã Tịnh Long, họ là "những người thợ xây tin yêu cuộc đời mới".


Bài, ảnh: PHẠM DANH



 


.