Cần dẹp tận gốc nạn ăn xin

01:03, 15/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vấn nạn ăn xin, chèo kéo người dân “cho lộc”, trẻ em cơ nhỡ lang thang trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đang xuất hiện ngày càng nhiều, tạo ra một hình ảnh không đẹp đối với một thành phố đang hướng đến trở thành đô thị văn minh.

Xin không cho thì... chửi

Sáng 2.3, tôi chứng kiến cảnh một bà cụ tay cầm gậy, ăn mặc lam lũ với khuôn mặt khổ sở bước vào các quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng (phường Chánh Lộ - TP.Quảng Ngãi) và ngửa tay xin tiền. Bà cụ liên tục nài nỉ, thậm chí là kéo vai thực khách để xin tiền. Nhiều người sau khi nghe bà cụ “trình bày hoàn cảnh” đã mủi lòng móc ví cho. Điều bất ngờ là bà cụ này còn lên tiếng chửi những ai phản ứng lại trước hành vi xin tiền của bà. Anh Long, nhà ở đường Phan Đình Phùng cho biết, trước đây bà có xin tiền và anh có cho, nhưng sau đó thì không cho nữa, vì có một lần bà này xin tiền và anh nói không có tiền thì bị bà chửi.

  Một đối tượng ăn xin (bìa phải) đang
Một đối tượng ăn xin (bìa phải) đang "đeo bám" xin tiền khách tại một quán cà phê.


Không chỉ gây phiền toái cho thực khách, nhiều chủ quán cà phê cũng bức xúc trước tình trạng người ăn xin “xông” vào quán để xin tiền. Anh T. chủ quán cà phê Y, cho biết, hôm trước Tết, trong khi khách vào quán rất đông và nhân viên phải chạy “hết công suất” để phục vụ, thì anh phải đi giải quyết chuyện người ăn xin “gây chuyện” với thực khách. “Người này chửi ầm ĩ, lấy gậy đòi phang người thanh niên chỉ vì anh ấy không cho tiền. Biết họ già cả không làm ra tiền phải đi xin, nhưng họ hành động như thế rất phiền phức”, anh T. nói.

Theo ông Trần Phước Hải- Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi, tình trạng người ăn xin, trẻ em lang thang cơ nhỡ trên địa bàn TP. Quảng Ngãi thời gian qua là có thật, làm ảnh hưởng đến các quy định về thực hiện nếp sống văn minh đô thị. “Việc xử lý đối tượng lang thang ăn xin thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Hiện các đối tượng là công dân thành phố nhìn chung là không còn. Tuy nhiên, vẫn còn người lang thang, ăn xin ở các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh đến các đường phố, ngõ hẻm, ở các khu vực chợ tạm Quảng Ngãi và các chợ ở phường Trần Phú, khu vực đường Nguyễn Bá Loan, chùa Thiên Ấn, bãi biển Mỹ Khê, các quán cơm chay, quán cà phê…”, ông Hải cho hay.

Quyết tâm xóa bỏ

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối tượng lang thang, ăn xin trên địa bàn TP. Quảng Ngãi có rất nhiều dạng như: Người bị bệnh tâm thần, người lười lao động, người nghèo bệnh tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em, người già neo đơn... Những đối tượng này có thể là người có hộ khẩu và sinh sống trên địa bàn thành phố hoặc từ các nơi khác đến. Do đó, việc theo dõi, xử lý rất khó khăn nếu như không có sự vào cuộc một cách quyết liệt, với quyết tâm cao nhất từ các cơ quan chức năng của TP. Quảng Ngãi.

Theo ông Trần Phước Hải, trước mắt đối với các đối tượng nằm trong “diện quản lý” thì sẽ đưa vào các Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm giáo dục để dễ quản lý. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Còn về lâu dài, tùy theo từng đối tượng cụ thể sẽ có phương án giải quyết khác nhau.

 “Để TP. Quảng Ngãi sớm trở thành đô thị văn minh, bên cạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, công trình công cộng, chăm lo đời sống cho người dân, giảm thiểu tối đa người nghèo thì thành phố phải quyết tâm xóa bỏ nạn ăn xin, trẻ em cơ nhỡ. Trong đó, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình, họ tộc đăng ký không để người thân đi lang thang ăn xin, coi việc thực hiện “không có người lang thang xin ăn” là tiêu chuẩn để xét chọn các danh hiệu gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và UBND các địa phương có người lang thang, ăn xin di cư về thành phố hoạt động để cảm hóa, giáo dục, hỗ trợ”, ông Hải nói.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.