Mùa hái đót cho Tết thêm ấm cúng

10:02, 03/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đến hẹn lại lên, khi những bông đót đua nhau nở trắng trên khắp các sườn đồi, mỏm đá, khe núi… cũng là lúc đồng bào ở vùng cao Quảng Ngãi vào mùa khai thác đót. Mặc dù năm nay, vào đầu mùa giá đót không cao, nhưng nhờ "lộc rừng" này đã giúp bà con có nguồn thu nhập.

TIN LIÊN QUAN

Cây bông đót từ bao đời nay đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào miền núi Quảng Ngãi. Hằng năm, cứ đến độ tháng Chạp là bông đót lại nở rộ. Đồng bào vùng cao lại bắt đầu vào mùa đi hái “lộc rừng” mang về bán cho thương lái để có thêm thu nhập, sắm sửa ngày tết đủ đầy hơn.
 
Để hái được đót, các gia đình đều ra khỏi nhà từ lúc tờ mờ sáng, khi sương núi còn giăng kín trên những sườn đồi, mới kịp lên được những ngọn đồi cao, rồi hái cả ngày, chiều tối mới về.. "Cây đót một năm chỉ cho thu hoạch một lần, từ tháng Giêng đến hết tháng hai âm lịch. Vì thế muốn tận thu nguồn đót mình phải “chạy đua” với thời gian, nên vào mùa đót, gia đình tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi lên rừng hái đót mang về bán để trang trải cuộc sống"- Đinh Văn Hai ở xã Sơn Bua (Sơn Tây) cho biết. 
 
Theo anh Hai, giá đót tươi năm nay thấp hơn so với mọi năm, hiện chỉ còn 3.000 đồng/kg, nếu người nào khỏe, hái nhanh thì cũng kiếm được mỗi người 30- 50 kg đót tươi/ngày, cho thu nhập khoảng 90.000-150.000 đồng. Nếu gia đình nào có nhiều người đi hái đót thì có thể đem phơi khô rồi bán thì giá đót cao hơn gấp đôi.
 
Những ngày giáp Tết, người dân tranh thủ vào rừng hái đót
Những ngày giáp Tết, người dân tranh thủ vào rừng hái đót
 
Cũng giống như anh Hai, từ hơn 10 ngày nay, vợ chồng anh Hồ Văn Vàng ở xã Trà Lãnh (Trà Bồng) cũng tranh thủ vào vào rừng để hái đót. Bình quân mỗi ngày hai vợ chồng anh hái được khoảng hơn 60kg đót, bán đổi được hơn 200.00 nghìn đồng. Dù thu nhập không cao, song với vợ chồng anh Vàng, đây nguồn thu nhập đáng kể để chi tiêu trong gia đình trong những ngày giáp Tết. "Người làng mình mùa này ai ai cũng đi hái đót bán lấy tiền mua gạo, bánh kẹo... và sắm cho mấy đứa trẻ những chiếc áo mới để đón Tết"- anh Vàng chia sẻ. 
 
Từ lâu, cây đót được ví là “lộc rừng” mà núi rừng hào phóng dành tặng riêng cho người ở miền ngược. Chính vì thế, mùa đót đến, người dân có được thu nguồn thu nhập. Tuy nhiên, công việc đi hái đót của họ cũng không đơn giản chút nào. Với diện tích đót tự nhiên ngày càng bị thu hẹp thì muốn có được những bó đót đẹp người dân phải đi vào rừng sâu, men theo những sườn núi dựng đứng, rất nguy hiểm. Sau khi hái, mang về nhà, đót sẽ được phân loại thành đót dài, ngắn, đót già, non rồi mới bán cho thương lái. 
 
Dẫu vất vả như thế nhưng đối với bà con đồng bào vùng cao, cây đót mang đến cho họ một nguồn thu nhập không nhỏ khi vào mùa. Nhà nào chăm chỉ, mỗi mùa đót có thể kiếm được từ vài ba triệu đến gần chục triệu đồng, một khoản tiền lớn đối với người dân nghèo miền núi trong thời điểm giáp hạt. 
 
Năm nay, giá đót giảm và lượng đót không nhiều, khiến thu nhập của người dân hạn chế
Năm nay, giá đót giảm và lượng đót không nhiều, khiến thu nhập của người dân hạn chế.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của người dân địa phương, cùng với giá đót xuống thấp, thì năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên bông đót trổ ít hơn so với mọi năm. Do vậy, nguồn thu nhập của đồng bào ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.
 
Bà Nguyễn Thị Chuyên - người chuyên thu mua đót ở xã Sơn Bua cho biết: "Tính từ đầu mùa đến nay, tôi chỉ mới thu mua được khoảng 1 tấn đót. Trong khi đó, cùng thời gian này năm trước, lượng đót tôi mua được lên đến cả chục tấn." Không riêng gì bà Chuyên, mà một số điểm thu mua đót ở các địa phương khác cũng chưa thu mua được nhiều...
 
Dẫu thời điểm này, mùa đót kém vui hơn mọi năm, nhưng với Tết Nguyên đán đã cận kề, nguồn thu từ bông đót không giúp cho bà con đồng bào vùng cao giàu có, song cũng đủ cho họ sắm sửa một cái Tết ấm cúng hơn, đủ đầy hơn…
 
PV
 

.