Đức Phổ: Hiệu quả từ xã hội hóa xây dựng hạ tầng

09:02, 25/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Liên tục xúc tiến kêu gọi đầu tư, áp dụng cơ chế thông thoáng, huyện Đức Phổ đã khá thành công khi huy động hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm sớm đưa địa phương này trở thành thị xã trực thuộc tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Diện mạo mới

Những ngày đầu năm, thị trấn Đức Phổ càng trở nên tươi mới hơn khi các con đường được trang trí đầy sắc hoa, đèn điện rực rỡ. Chợ Đức Phổ thì trở nên nhộn nhịp với cảnh mua bán tấp nập. Chị Thu Trang, người dân mua sắm tại đây cho biết: “Chợ được xây dựng khang trang, hiện đại, sạch sẽ. Tôi cảm thấy rất tiện lợi khi mua sắm ở đây”.

Công ty CP ĐTXD Thiên Tân xây dựng đường tránh phía Đông thị trấn Đức Phổ theo hình thức BOT đã góp phần nâng cấp, mở rộng hạ tầng đô thị Đức Phổ.                                                                      Ảnh: H.T
Công ty CP ĐTXD Thiên Tân xây dựng đường tránh phía Đông thị trấn Đức Phổ theo hình thức BOT đã góp phần nâng cấp, mở rộng hạ tầng đô thị Đức Phổ. Ảnh: H.T


Chợ Đức Phổ có tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng là một trong những công trình xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. Những năm qua, chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng tại Đức Phổ đã mang đến hiệu quả thấy rõ khi cơ sở hạ tầng nơi đây ngày càng khang trang, đồng bộ. Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ngoài chợ Đức Phổ, còn có các cụm công nghiệp Phổ Hòa, Phổ Phong, Đồng Làng, Resort Sa Huỳnh đều được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội có thể kể đến Khu giải trí đa năng do Công ty TNHH xây dựng Minh Hoàn đầu tư, hay Siêu thị - trung tâm thương mại đang được triển khai xây dựng từ nguồn vốn của Công ty Đức Bảo An. Ở lĩnh vực y tế, quá trình xây dựng, đầu tư trang thiết bị, vận hành Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm cũng là từ đóng góp của doanh nghiệp...

Ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: Kết cấu hạ tầng vững mạnh và đồng bộ mới tạo cơ sở nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhưng nguồn ngân sách của huyện lại có hạn. Vì vậy, xã hội hóa xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng mới góp phần để Đức Phổ hoàn thiện nhiều tiêu chí về hạ tầng. Đến nay, Đức Phổ đã đạt 42/49 tiêu chí về hạ tầng đô thị của đô thị loại IV.
 

Đảm bảo hài hòa các lợi ích

Xác định tính hiệu quả của xã hội hóa xây dựng hạ tầng, lãnh đạo huyện Đức Phổ luôn tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại đây, thông qua việc áp dụng nhiều cơ chế thông thoáng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em thì, điều quan trọng là phải tính toán làm sao để luôn đảm bảo được lợi ích của ba bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Luôn rộng cửa đón nhà đầu tư

Ông Trần Em cho biết, hằng năm huyện Đức Phổ luôn dành một phần ngân sách cho công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư cũng như giữ mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp đồng hương hoạt động trong và ngoài tỉnh. Khi doanh nghiệp đến địa phương tìm hiểu, tiếp cận, sẽ được tạo điều kiện thông tin các lĩnh vực mà huyện định hướng đầu tư. Sau đó ưu tiên đất đai, hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư có thể chi trả đền bù trước, sau đó ngân sách huyện sẽ trả lại sau. Cùng với đó là, cải cách thủ tục hành chính đơn giản để giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Nhờ những cơ chế, chính sách trên, khi doanh nghiệp đầu tư vào Đức Phổ, luôn có những phản hồi tích cực. Qua vụ việc chợ Đức Phổ từng không nhận được sự đồng thuận của tiểu thương khi được yêu cầu chuyển từ chợ cũ đến chợ mới, ông Huỳnh Ngọc Hưng - Giám đốc Công ty Hà Mỹ Á bày tỏ: “Huyện luôn sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp tìm tiếng nói chung với tiểu thương. Áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho tiểu thương, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp chúng tôi. Hiện 300 tiểu thương đã chuyển đến chợ mới. Hoạt động tại chợ đã bắt đầu đi vào nền nếp”.

Trong định hướng sắp đến, ông Trần Em cho biết, sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Đặc biệt ưu tiên đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực may mặc và chế biến nông-lâm-thủy sản. “Đức Phổ có 2 cảng biển, 1.500 tàu với tổng công suất 400.000 CV, sản lượng đánh bắt hàng năm là 60.000- 65.000 tấn hải sản, thế nhưng lại chỉ có vài cơ sở chế biến thủy sản nhỏ lẻ. Đức Phổ cũng có gần 15.000ha đất rừng sản xuất trồng cây nguyên liệu nhưng hiện mới chỉ có một nhà máy chế biến gỗ dăm Vạn Lý. Nếu hạ tầng các lĩnh vực này được đầu tư, sẽ tạo việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời giải quyết được đầu ra cho cây nguyên liệu của người dân và tiêu thụ một lượng lớn thủy hải sản mà ngư dân đánh bắt được. Vì vậy, trong tương lai huyện vẫn sẽ luôn rộng cửa đón nhà đầu tư”, ông Em nói.


TRẦN THU HIỀN
 


.