Ba mươi năm trồng tre giữ đất

01:02, 27/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khu vực dọc bờ sông Vệ thuộc thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) giờ đây là vùng đất bồi trù phú với bạt ngàn hoa màu xanh tốt. Đó là nhờ công lao không nhỏ của người nông dân Lê Văn Hy khi 30 năm qua ông kiên trì trồng tre hoán cải dòng nước.

Băng xuyên qua rừng keo lai rộng khoảng 5ha, ông Lê Văn Hy dẫn chúng tôi đến với rặng tre xanh mướt nằm sát bờ sông Vệ. Ông Hy bảo: “Nhờ rặng tre này mà mình mới giữ được đất để trồng trọt”.

Rặng tre do ông Lê Văn Hy trồng để  giữ đất.
Rặng tre do ông Lê Văn Hy trồng để giữ đất.


Để có được rặng tre xanh tươi tốt đủ sức giữ đất và bồi đắp qua mỗi mùa mưa lũ như bây giờ, ông Hy đã phải tiêu tốn rất nhiều công sức và thời gian. Ông kể: Năm 1986, huyện Nghĩa Hành có phong trào “trồng tre chống lở”, tôi là người tiên phong thực hiện. Ban đầu chỉ đóng cọc tre để chống nước xói mòn thêm, sau đó tôi trồng cỏ xen lẫn với tre gai. “Cây tre gai là loại tre chống lở rất tốt bởi thân tre mềm dẻo, những bụi tre gai có kích thước lớn, thân tre lại đan quyện vào nhau rất bền chặt... chịu được sức gió và nước xoáy”, ông Hy nói. Lão nông này cũng tìm hiểu dòng chảy của sông Vệ, để từ đó dùng cây tre để “dẫn nước theo ý mình”.
 

Ông Võ Anh Thành - Trưởng thôn Đề An cho biết: “Nhờ có rặng tre của ông Hy mà cả một vùng đất sông Vệ, đoạn qua địa bàn thôn, không bị nước lũ làm sạt lở nữa, mỗi năm lại được phù sa bồi đắp. Cũng nhờ diện tích đất này mà nhiều hộ gia đình trong thôn có điều kiện canh tác các loại cây hoa màu, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Đến năm 1995, trời không phụ lòng người khi bãi bồi bắt đầu được hình thành. Ban đầu chỉ là vài sào đất đủ để vợ chồng ông Hy tỉa bắp, trồng dâu nuôi tằm, rồi dần bãi bồi ngày càng được mở rộng sau mỗi mùa mưa lũ. Từ những thân tre đầu tiên, giờ đây vùng đất bãi ven sông này được hàng rào tre vững chãi với trên 1.000 bụi và dài hơn 300 mét bảo vệ.

Nhờ nguồn thu nhập từ việc trồng dâu nuôi tằm, trồng bắp, trồng đậu... trên vùng đất bồi ven sông Vệ, kết hợp với chăn nuôi bò, gà đã giúp cho gia đình ông thoát được đói nghèo, lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Giờ đây, 7 người con của ông lần lượt ra trường, có việc làm ổn định.

Rặng tre của ông Hy không chỉ giữ đất, mà khu vực này được bồi đắp phù sa trở thành một bãi bồi trù phú khoảng 20ha. Ông Hy bảo: "Mình không tham vì sức mình cũng không thể làm hết được số đất đó. Bà con trong thôn ai làm được thì cứ sử dụng đất đó mà làm thôi". Gia đình ông Hy chỉ canh tác trên 5ha nằm trong phạm vi rặng tre ông trồng bao bọc, phần đất bồi còn lại được bà con trong thôn trồng hoa màu, keo lai... tạo nên một bãi bồi xanh ngút tầm mắt. Học theo ông Hy, ông Trịnh Đấu – người dân thôn Đề An cũng đã trồng thêm 1.000 bụi tre dọc bãi bồi nối tiếp vào hàng rào tre giữ đất của ông Hy.

Ông Hy khẳng định, việc chống sạt lở ven sông không cây gì qua được cây tre. Trong những trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 1999 và 2013, rặng tre của ông đã “có công” rất lớn trong việc bảo vệ diện tích đất ven sông này. Tiễn chúng tôi ra về, ông Hy còn thông tin, sang đầu tháng 2 (âm lịch) ông sẽ tiếp tục trồng thêm tre để tăng cường bảo vệ đất, đồng thời chỉnh sửa một số đoạn để điều chỉnh dòng nước không xói lở vào bờ đối diện, gây thiệt hại cho người dân.


Bài, ảnh: XUÂN HIẾU

 


.