Thương cảng xưa qua ký ức người làng

02:01, 16/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, khi đường bộ chưa phát triển, mọi việc giao lưu, buôn bán trong nội địa và các nước khu vực chủ yếu bằng đường thủy. Các thương cảng như Thu Xà ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), điểm buôn bán Bình Dương (Bình Sơn) khá sầm uất. Bây giờ, ở các vùng này cuộc sống mới đang dần phát triển, dấu xưa chỉ còn lại trong ký ức của người làng.

Thương cảng “mật ngọt” một thời

Đến “phố cổ” Thu Xà (Nghĩa Hòa) vào dịp cuối năm, dấu tích xưa vẫn còn sót lại đây đó trên những con đường, mái nhà và hàng hóa chuẩn bị cho ngày Tết. Dưới nắng hanh vàng, dọc theo hai con đường ra bến sông Vực Hồng trải đều những tràng nhang đỏ thắm, xen lẫn với những nong, nia phơi đường, bột... trắng tinh. Ở bến sông Vực Hồng – nơi thương cảng xưa khá sầm uất với cảnh trên phố, dưới thuyền; giờ các đơn vị đang hối hả thi công công trình du lịch sinh thái…Thấy làng quê phát triển, cứ chiều chiều ông Võ Duy Hoan (81 tuổi) người làng Thu Xà  lại đạp xe ra bến cảng như hoài niệm về những ký ức mà ông được cha, ông kể lại: “Ngày đó, cứ vào dịp cuối năm vùng này thương thuyền ra vào tấp nập. Những chiếc ghe bầu chạy bằng buồm gió cứ nối đuôi nhau vào sâu tận sông Vực Hồng để chuyển hàng hóa lên bờ và tiếp hàng tỏa đi các nơi”.

Một góc Bình Dương hôm nay.
Một góc Bình Dương hôm nay.


Sỡ dĩ khu vực này trở thành thương cảng sầm uất là nhờ sự hợp lưu của con sông Vệ và sông Trà Khúc trước khi đổ ra cửa biển. Lòng sông rộng, địa thế thuận lợi nên sau khi có những biến cố lịch sử, một bộ phận người Hoa (gồm Hải Nam, Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến) đã kéo về đây lập làng. Sự hợp giao giữa người Hoa – Việt ở nơi này đã tạo thành những làng sản xuất bánh kẹo, đồ gia dụng và buôn bán khá nổi tiếng.

Bây giờ, phố cổ Thu Xà đã đổi thay nhiều, thương cảng cũng dần lấp thành những vuông tôm chạy dài bên mé sông, những công trình du lịch sinh thái đang mọc lên. Nhưng những nghề mạch nha, đường phổi, đường phèn, kẹo gương trở thành món đặc sản của Quảng Ngãi vẫn còn mãi lưu truyền như một vị ngọt khó phai trong lòng người ở phố cổ.

Điểm cá bạc, buồm vôi

Ở nơi cuối con sông Trà Bồng thuộc xã Bình Dương (Bình Sơn) trước khi đổ ra cửa biển Sa Cần, cũng một thời khá sầm uất tấp nập thuyền buồm vôi. Nhưng nơi đây giờ cũng chỉ còn trong hoài niệm của người làng. Ông  Nguyễn Văn Tý (80 tuổi) thôn Đông Yên, so sánh: Việc buôn bán ở nơi này, tuy chưa sầm uất, quy mô lớn như thương cảng Thu Xà, nhưng nó cũng là nơi ghi dấu một thời đường bộ chưa phát triển. Những chiếc thuyền buồm của các xã Bình Dương, Bình Chánh... chở đầy cá đánh bắt từ biển khơi trở về đều cập vào bến này để cung cấp cho dân buôn. Các ghe bầu thu mua rồi vận chuyển theo đường thủy đến các nơi trong huyện và đi ngược sông Trà Bồng đến các vùng Ba Gia, Đồng Ké (Sơn Tịnh), Trà Bồng để đổi gạo, đổi củi, lâm sản phụ.

Ngày thường thì cứ bắt đầu 4 giờ sáng, bến thu mua hải sản này nhộn nhịp tiếng mặc cả và cả tiếng chèo khua mái nước trên sông. Ngày Tết về thì bến cá tấp nập ghe thuyền sáng đêm. Cứ chiều xuống, từ thượng nguồn, các ghe bầu nối đuôi chở củi, lá dong, mây, đường mía, chuối... tấp nập về bến. Đêm về dọc dòng sông ở vùng hạ lưu Trà Bồng vẫn vui nhộn, người buôn cột ghe, dựng lều dưới những tán tre để nhóm lửa, nấu cơm. Qua đêm, người ngả lưng trên ghe, người cột võng dưới tán tre kể những câu chuyện đời, chuyện nghề và thời cuộc rồi chìm sâu vào giấc ngủ...

 Đưa tôi đi dọc dòng sông Trà Bồng ngày cuối năm, bác Tý như nuối tiếc: Sông vẫn còn đó, nhưng cảnh xưa đã trôi theo dòng đời. Cũng do sự kiến tạo của con người (ngăn sông đắp đập) đưa dòng chảy của  sông ngược lên đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, vì thế mà lòng sông dần bị bồi lấp, thuyền ghe không còn về bến. Bến cá được dời xuống tận cửa biển Sa Cần. Ở phía bờ, đường Sá phát triển, xe bên, xe tải đã về Bình Dương tận nơi. Một bộ phận ngư dân đã bán ghe thuyền, mua xe tải, xe máy thu mua cá, lập lò hấp rồi chuyển đi các huyện, các tỉnh để bán…

Ngày cuối năm đi dọc vùng ven biển, dừng chân ở các ngã ba sông nơi tiếp giáp với biển một thời thương thuyền tấp nập, vẫn cảnh nhộn nhịp tàu thuyền, mùi cá bạc mặn nồng vị biển…nhưng diện mạo thì đã đổi khác khá nhiều. Thuyền to, tàu lớn san sát bên những ngôi nhà tầng kiên cố chạy dài bên mép sóng. Thế nhưng, trong chiều sâu văn hóa, vẫn ẩn dấu xưa của một vùng đất đang vươn mình phát triển.


Bài, ảnh: MAI HẠ



 


.