Người dân miền núi, hải đảo: Rộn ràng đón Tết

02:01, 30/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, người dân khắp nơi đang nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền - Tết Bính Thân 2016. Từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo rộn lên không khí mua bán, trao đổi hàng hóa, trang hoàng nhà cửa để đón một cái Tết đủ đầy, cùng bao ước vọng vào một năm mới an khang, thịnh vượng...

TIN LIÊN QUAN

Đảo Bé: Tết đầu tiên có điện

Ngày 21.1.2016, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã chính thức vận hành các tổ máy phát điện diezel cấp điện cho nhân dân đảo Bé -  xã đảo An Bình (Lý Sơn). Bao năm khát khao, điện về thỏa niềm mong ước. Tết này đảo Bé nhà nhà sáng rực ánh điện, rộn ràng thanh âm của các chương trình mừng Xuân Bính Thân qua tivi, radio. Đợt không khí lạnh tăng cường kéo dài nhiều ngày đã làm cho lễ khánh thành điện đảo Bé không thực hiện được. Thế nhưng, việc cấp điện cho nơi đây vẫn được "đóng" đúng thời khắc đã định. Điện sáng, cả đảo lung linh; tiếng loa đài, tivi ầm vang cả một góc biển.

 Cán bộ kỹ thuật vận hành máy phát điện ở đảo Bé (Lý Sơn).
Cán bộ kỹ thuật vận hành máy phát điện ở đảo Bé (Lý Sơn).


Đón đợi dòng điện diezel về, nhiều nhà ở đảo Bé đã mua sắm tivi hiện đại, tủ lạnh, máy nghe nhạc đời mới. Ông Bùi Mã, năm nay hơn 70 tuổi ở thôn Bắc bảo rằng: "Cả đời ở đảo Bé, đâu có nghĩ là một ngày đảo có điện. Vậy mà nay mơ ước đã thành hiện thực. Tết này chắc chắn vui hơn những Tết đã qua". Có điện, nhiều hộ dân ở đảo đã hoạch định việc làm ăn, phát triển kinh tế theo hướng mới. Anh Bùi Minh, thôn Bắc là một bộ đội xuất ngũ, hiện đang làm hướng dẫn viên du lịch cộng đồng. Anh Minh bảo: "Tết này có điện, mình mua tủ lạnh về trữ đồ phục vụ khách sang đảo Bé tham quan. Trước giờ mình không chủ động dự trữ cá, tôm, cua, mực được mà cứ có gì dùng nấy".

Dự án cấp điện (chạy bằng diezel) cho đảo Bé có tổng nguồn vốn gần 5 tỷ đồng, bắt đầu khởi công từ ngày 3.1.2016, sau 14 ngày triển khai với tinh thần hết sức khẩn trương, sự phối hợp nhịp nhàng, đến ngày 17.1.2016 công trình đã hoàn thành và chính thức vận hành, cấp điện từ ngày 21.1.2016.

Tây Trà: Người dân bán chuối sắm Tết

Bây giờ Tây Trà đang là mùa "thu hoạch chuối". Cách đây chừng một tháng, các thương lái đã đi "khảo sát" đặt cọc  những buồng chuối có khả năng phục vụ Tết. Mỗi buồng chuối còn trên cây được thương lái trả trước một số tiền. Cận Tết, tùy vào giá cả thị trường, thương lái sẽ trả thêm cho người trồng chuối.

Chị Hồ Thị Phót, thôn Trà Kem, xã Trà Xinh cho biết: "Rẫy chuối nhà mình được người mua chọn 9 buồng, họ đưa tiền 50.000 đồng/buồng. Họ bảo qua 20 tháng Chạp sẽ lên chặt, rồi trả thêm tiền". Biết cận Tết giá chuối tăng, nhưng với người dân trồng chuối ở Tây Trà chẳng thể nào mang chuối ra chợ bán. Việc tiêu thụ đều dựa vào các thương lái ở miền xuôi lên. Ngày bình thường mỗi buồng chuối từ 5 - 8 nải được thương lái mua với giá 20.000 - 40.000 đồng. Dịp Tết giá cao hơn, nhưng chưa năm nào giá vượt qua khỏi 100.000 đồng/buồng, mặc dù một nải chuối đẹp để cúng Tết bán tại các chợ đồng bằng cũng có thể bằng giá cả buồng chuối ở Tây Trà.

Nói vậy, nhưng vào dịp Tết chuối là loại nông sản dễ bán và được giá nhất ở Tây Trà. Hiện nay, ở huyện miền núi này, chuối được trồng nhiều nhất ở các xã Trà Xinh, Trà Phong và Trà Khê. Diện tích trồng chuối ngày càng được mở rộng và có thời điểm "cây chuối" được xem là cây xóa đói giảm nghèo của Tây Trà. Số tiền thu được từ bán chuối không thể làm giàu, nhưng chí ít từ nguồn thu nhập này người dân ở đây cũng có thể mua thêm lương thực, thực phẩm cho ngày Tết đủ đầy hơn.

Sắc xuân trên những khu tái định cư thủy điện Đăkđrinh

Cuộc sống đã đổi thay, những lo toan vất vả của đồng bào Ca Dong ở những vùng cao heo hút, hẻo lánh gần thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) đã không còn. Thay vào đó, những khu tái định cư (TĐC) với nhà cửa san sát, khang trang nằm cạnh nhau. Người dân đã an cư mà lạc nghiệp, vui Xuân đón Tết mới.

Chỉ tay vào những ngôi nhà “tường cao, ngói đỏ”, Bí thư chi bộ thôn Đăk Lang, xã Sơn Dung Đinh Văn Đuông vui vẻ nói: “Về khu TĐC này, Nhà nước hỗ trợ tiền một phần, còn ai muốn xây đẹp, xây cao thì thêm tiền của mình vào. Vì ai cũng muốn có nhà cao, cổng đẹp nên giờ nhà cửa khang trang như thế này đấy. Ở tập trung như thế này vui lắm!”. Sau hơn 2 năm an cư với nơi ở mới, cuộc sống của hơn 35 hộ dân thôn Đăk Lang đã phát triển rất nhiều. Bà con đã quen với việc gieo trồng theo thời vụ, canh tác đúng theo hướng dẫn của cán bộ địa phương và chăn nuôi có bài bản, nên cuộc sống đã dần ổn định và sung túc. Tuy hộ nghèo còn nhiều, nhưng có nơi ở ổn định thì việc xóa đói, giảm nghèo với người dân nơi đây cũng không còn bao xa nữa.

Còn tại khu TĐC thôn Nước Vương, xã Sơn Liên, vợ chồng chị Đinh Thị Hê sau khi xây xong căn nhà của mình, liền mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ để buôn bán thêm hàng hóa, các nhu yếu phẩm thường ngày  cho bà con xung quanh. “Nhà của bà con còn xa chợ nên tôi mở quán tạp hóa nho nhỏ để bán cho bà con xung quanh. Nhà cửa sạch sẽ, mới mẻ nên ai cũng ưng cái bụng”, chị Hê bày tỏ.

Ông Đinh Văn Bột – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Liên cho biết: Hiện nay, khu TĐC của xã đã dần đi vào ổn định và có bước phát triển mới. Bà con cũng đã nhận thức được cách thức sản xuất nông nghiệp theo hướng mới, tạo năng suất và hiệu quả. Ngoài ra, tuyến đường về nơi sản xuất cũ cũng được mở, tạo điều kiện tốt để bà con chuyên tâm lập nghiệp, xóa đói giảm nghèo.


 T.NHỊ- Đ.DIỆU


 


.