Mòn mỏi đợi tiền bồi thường

11:01, 15/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2001, ông Lữ Trọng Cân ở thôn Hiệp An, xã Phổ Phong (Đức Phổ) mua đất cất nhà. Đến năm 2010, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn Thạch Trụ - Phổ Phong (Dự án) triển khai, đất nhà ông Cân  bị thu hồi một phần diện tích. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 6 năm, gia đình ông Cân vẫn chưa nhận được khoản tiền đền bù đất và tài sản…

TIN LIÊN QUAN

Khốn khổ vì “anh em tranh chấp”

Năm 2001, ông Lữ Trọng Cân mua của bà Phạm Thị Yến (ngụ cùng thôn) 440m2 đất thổ cư với số tiền 50 triệu đồng. Việc mua bán này có giấy bán đoạn mãi đất thổ cư giữa bà Yến và ông Cân ngày 2.2.2001, do UBND xã Phổ Phong xác nhận. Sau đó, ông Cân xây dựng máy xay xát cùng nhà cửa kiên cố, yên tâm sinh sống và làm ăn mà không gặp bất kỳ sự tranh chấp hay trở ngại gì.

Vụ việc kéo dài tận 6 năm, khiến cuộc sống gia đình ông Cân gặp rất nhiều khó khăn.
Vụ việc kéo dài tận 6 năm, khiến cuộc sống gia đình ông Cân gặp rất nhiều khó khăn.


Đến năm 2010, Dự án đi qua, diện tích đất nhà ông Cân bị thu hồi 138m2 và được áp giá bồi thường đất và tài sản số tiền 498,587 triệu đồng. Tuy nhiên đến giờ, khoản tiền trên vẫn chưa về với chủ vì “đất bị tranh chấp”. Bởi, theo thông báo của UBND xã Phổ Phong thì: "Đất của ông Lữ Trọng Cân đang bị ông Thới Thêm" (em chồng bà Phạm Thị Yến) khiếu nại từ năm 2001. Điều này khiến ông Cân hoài nghi. Bởi, “vì sao có đơn khiếu nại mà xã vẫn không thông báo với gia đình tôi? Hơn nữa, khi tôi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cán bộ xã cũng không nói đến chuyện này, mà chỉ bảo hồ sơ của tôi bị thất lạc, phải làm lại”, ông Cân cho biết.

Vụ việc kéo dài suốt 6 năm qua, chính quyền các cấp của huyện Đức Phổ cũng đã nhiều lần tổ chức hòa giải, giải quyết nhưng bất thành. Do vậy mà từ năm 2010 đến nay, cùng với việc chưa được nhận số tiền bồi thường, ông Cân còn phải bỏ công việc đi tìm sự công bằng cho mình. Cuộc sống của gia đình ông vì thế cũng bị đảo lộn, khó khăn.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, trong kết luận đối thoại với các hộ dân xã Phổ Phong về những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án vào chiều ngày 26.12.2015, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ giao Thường trực Huyện ủy Đức Phổ khẩn trương chỉ đạo UBND huyện Đức Phổ ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất của hộ ông Lữ Trọng Cân với hộ ông Thới Thêm, làm cơ sở củng cố hồ sơ, xác lập phương án bồi thường theo đơn giá 2011 hoặc năm 2015 (chọn đơn giá bồi thường có lợi nhất cho hộ dân) và hoàn thành trước ngày 5.1.2016; chủ trì mời Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan của tỉnh tiến hành kiểm tra hiện trạng, lập biên bản thống nhất với hộ ông Lữ Trọng Cân về biện pháp xử lý kỹ thuật để không ảnh hưởng (hoặc ít ảnh hưởng) đến nhà ở của ông Lữ Trọng Cân; tính toán, bổ sung và thực hiện ngay việc bồi thường 67m2 đất thu hồi thuộc hành lang an toàn đường bộ; chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện hướng dẫn hộ dân hoàn chỉnh các thủ tục và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Giải được đất, còn vướng đền bù

Trên cơ sở kết luận của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ, ngày 4.1.2016, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em đã ban hành quyết định về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa vợ chồng ông Lữ Trọng Cân với hộ ông Thới Thêm. Theo đó, công nhận cho vợ chồng ông Lữ Trọng Cân được quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất thuộc thửa 240, diện tích 440m2, tờ bản đồ số 13 và 67m2 đất nằm phía trước mặt ngôi nhà của vợ chồng ông Lữ Trọng Cân. Đón nhận thông tin này, ông Cân phấn khởi: “Vướng mắc lớn nhất đã được tháo gỡ. Tôi rất mong những phần việc còn lại cũng sẽ sớm được giải quyết để gia đình ổn định cuộc sống”.

“Phần việc” còn lại mà ông Cân đề cập chính là công tác áp giá đền bù tài sản. Theo đó, ông Cân đề nghị được đền bù 100% căn nhà cấp II chứ không phải theo diện “cắt xén”, bổ sung các khoản hỗ trợ đúng với quy định của Luật Đất đai 2013 như kinh phí chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng cho rằng, sẽ cùng với chủ đầu tư là Sở GTVT nghiên cứu tìm phương án đền bù có lợi nhất cho người dân; cũng là góp phần hoàn thành, kết thúc dự án.

Qua vụ việc này cũng đặt ra trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc giải quyết những vướng mắc của người dân. Bởi, nếu ngay từ những năm 2001, UBND xã Phổ Phong quan tâm kiểm tra, xác minh bà Yến hay ông Thêm là chủ sở hữu của phần đất trên; đồng thời thông báo cụ thể những vướng mắc để UBND huyện Đức Phổ tìm hướng tháo gỡ, thì có lẽ sự việc đã không kéo dài đến 6 năm như thế này.       


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.