Ở nơi người làng lên phố

07:12, 08/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đất nghèo, quê cũng nghèo nên người dân thôn Diên Lộc, xã Bình Tân (Bình Sơn) đã lần lượt lên phố mưu sinh. Đồng tiền kiếm được ở nơi xứ người, họ không chỉ vun vén ước mơ cho con mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang.

TIN LIÊN QUAN

Thôn Diên Lộc nằm lọt giữa bốn bề ruộng đồng, xung quanh bao bọc bởi núi, nên người dân chỉ biết dựa vào ruộng đồng, vào núi để mưu sinh. Thế nhưng, do địa bàn nằm cuối kênh Thạch Nham nên nguồn nước tưới luôn bấp bênh. Hơn 2/3 diện tích chỉ sản xuất được một vụ ăn nước trời. Cuộc sống tưởng chừng như bế tắc, nhưng từ khi có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”, bà con trong thôn đã đồng lòng bứt phá đi lên…

Nuôi ước mơ cho con

Tôi gặp ông Nguyễn Thanh Hùng- Bí thư Chi bộ thôn Diên Lộc khi ông vừa mới thực hiện công việc “vác tù và hàng tổng” trở về. Ông Hùng cười hiền: “Giờ có thể đi chơi, làm việc làng, việc xã cả ngày cũng không lo nữa. Ngày trước, chừng này còn ở ngoài đồng…”. Ông Hùng có 3 người con gái, trên mảnh đất khó này ông luôn cố gắng làm ăn để tạo bước đệm cho con mình lên phố kiếm chữ, mưu sinh. Để thực hiện được giấc mơ vượt làng của các con, vợ chồng ông đã quần quật với núi rừng, ruộng đồng tối ngày, với mong ước lo cho các con có nghề nghiệp ổn định.

Đường bê tông ở thôn Diên Lộc, xã BìnhTân.
Đường bê tông ở thôn Diên Lộc, xã BìnhTân.


Thế rồi, 3 người con của ông lần lượt vào các Trường Đại học Tài chính, Học viện Hàng không và Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng ông vừa vui, vừa lo. Vợ ông đành khăn gói lên phố mưu sinh, bỏ lại phía sau cho ông cả một “núi” việc cùng với nỗi trống vắng, cô quạnh. “Gia đình phân hai, buồn lắm, nhưng vợ chồng đã thống nhất nén nỗi buồn lo cho con”, ông Hùng nhớ lại. Thế nhưng, đồng tiền bán lúa gạo, hoa màu ở quê cộng đồng tiền kiếm được từ bán vé số, ve chai nơi phố thị vẫn không lo đủ chi phí cho các con ông  mỗi khi đi thực tập, hay đóng học phí. “Những lúc như vậy, đàn bò (8 con) trong chuồng cũng sạch, 3 ha rừng cũng lần lượt “đội nón” lên phố”, ông Hùng cười hiền nói. Giờ đây, các con ông đã có việc làm ổn định ở TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng ông được về bên nhau, góp sức xây dựng xóm làng.

Làng quê lên phố

Thôn Diên Lộc cách trung tâm xã đến 3 km đường ruộng và đường đồi. Trước đây, mỗi mùa mưa về, đường lầy lội. Thế là, ông Hùng kêu gọi bà con đóng góp cùng với xã để xây dựng đường bê tông. Đi trên con đường  sạch sẽ dẫn về làng, chị Trần Thị Dưỡng bảo rằng, ngày trước, mùa này đường lầy lắm, dắt chiếc xe đạp đi bùn dính đến nửa bánh xe. Mỗi khi có chuyện đến trung tâm xã là lo, thấy con em mình đến trường lấm lem cũng thật xót xa. Vì thế, khi xã, thôn vận động góp tiền làm đường ai cũng đồng lòng.

Nhiều gia đình như chị Dưỡng không có tiền thì đóng góp công. Chị Dưỡng, kể: “Ở đây làm gì có tiền, nên mình phải bỏ ra gần 50 ngày công để cùng với bà con trong làng gánh đất, ban đất trộn bê tông làm đường…”. Với cách làm đó, bây giờ ở thôn Diên Lộc đã có 3,5km đường bê tông nối về tận trung tâm xã, phá vỡ thế cô lập của thôn trong mùa mưa.

Nhờ có con đường, bà con đi lại, vận chuyển hoa màu thuận lợi nên chuyện làm nông cũng đỡ vất vả hơn. Đồng tiền kiếm được nơi phố thị họ tích lũy đầu tư cho con em ăn học, xây dựng nhà cửa...

Ông Đào Ngọc Hà- Trưởng thôn Diên Lộc, cho biết: Cũng nhờ chủ trương “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” mà mỗi gia đình đã đồng lòng xây dựng mái ấm, góp phần làm tươi sáng làng quê”. Toàn thôn có 451 hộ thì có trên 380 hộ đạt gia đình văn hóa (84%); 4 khu dân cư trong thôn đều có điện thắp sáng, trẻ em đến trường đúng độ tuổi và không còn trình trạng bỏ học nửa chừng...

Rời thôn Diên Lộc trong chiều muộn, trên đường về, điện bắt đầu rực sáng lung linh, tôi hiểu làng quê Diên Lộc đang khởi sắc đi lên…


Bài, ảnh: Mai Hạ



 


.